Mỳ tôm đươc xem là hát minh “lớn” của thời đại công nghiệp và là món ăn yêu thích của nhiều người. Trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 55,1 gói mỳ ăn liền mỗi năm, đứng thứ 2 trên thế giới sau Hàn Quốc với 76 gói. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, điều này tiềm ẩn mối nguy rất lớn đối với sức khỏe
Các chuyên gia Thực phẩm và Dinh dưỡng cho biết, những phụ gia hóa chất bổ sung để tạo lên gói mỳ bao gồm: phụ gia tạo độ dai, tạo màu cho mỳ, tạo độ trắng cho bột mỳ khi sản xuất bột, chất bảo quản và gói gia vị. Ngoài ra, các loại dầu sử dụng trong chiên mỳ thường là các loại có chứa chất béo trans, gây độc hại cho sức khỏe. Đặc biệt, cơ quan chức năng rất khó kiểm soát được những vấn đề đó, kể cả khi sử dụng các thiết bị mát móc hiện đại để kiểm tra.
Đặc biệt, mỳ ăn liền có nhiều hương vị hấp dẫn, kích thích vị giác lẫn thị giác, với nhiều người là ngon. Tuy nhiên, nếu chỉ ăn mỳ ăn liền sẽ thiếu và mất cân bằng dinh dưỡng bởi thiếu chất đạm, chất xơ, các vitamin và các yếu tố vi lượng.
Trong thành phần mỳ ăn liền chủ yếu là bột và rất nhiều chất béo bão hòa, nhất là chất béo chuyển hóa (transfat) do được tạo ra khi chiên trong các loại dầu ăn rồi sấy khô. Sự dư thừa các “chất béo không tốt” này dễ gây nên thừa cân, béo phì, béo bụng.
Thêm vào đó, tăng lượng cholesterol (mỡ xấu trong máu) còn dễ dẫn đến các bệnh về tim mạch như: cao huyết áp, xơ vữa động mạch, thiếu máu cơ tim và đột quỵ não.
Hơn thế nữa, chất mỡ trong mỳ tôm thông thường đều thêm chất chống ô xy hóa, nhưng nó chỉ làm chậm tốc độ ô xy hóa, kéo dài thời gian biến mùi của mỳ tôm. Thời gian dài dung nạp quá nhiều chất chống ô xy hóa sẽ ảnh hưởng xấu tới hệ nội tiết và thúc đẩy lão hóa.
Ngoài ra, sự dư thừa muối trong mỳ ăn liền cũng dễ làm tăng huyết áp, tổn thương chức năng thận và dễ tạo sỏi thận.
Sở dĩ mỳ ăn liền hấp dẫn là nhờ nhiều vào các gói gia vị, bột nêm đi kèm. Trong các gia vị này thường có chất phosphate, nếu lạm dụng sẽ dễ bị loãng xương. Bên cạnh đó, việc tiêu hóa và xử lý triệt để mỳ ăn liền là một gánh nặng cho hệ tiêu hóa, nhất là những người có bệnh viêm, loét dạ dày.
Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, các chuyên gia khuyến cáo người Việt không nên coi mỳ tôm như thực phẩm thường xuyên, thay thế cho các bữa chính hằng ngày.