Thứ hai, 09/09/2024 | 19:39
RSS

Cảnh báo những tác hại khủng khiếp vì uống quá nhiều rượu

Thứ ba, 07/01/2020, 11:22 (GMT+7)

Nghiện rượu dẫn đến rất nhiều rối loạn về cơ thể và tâm thần: rối loạn thích ứng, trầm cảm, lo âu và mất ngủ thường xuyên. Uống rượu nhiều dẫn đến các bệnh lý về đường tiêu hóa, bệnh tim mạch và tổn thương hệ thần kinh; loét dạ dày - hành tá tràng...

Loạn thần vì nghiện rượu

Ảnh minh họa

Từng ngày nào cũng uống rượu

Nhìn anh Nguyễn Văn Yên (Hòa Bình) trầm lắng, suy tư, khi phóng viên hỏi gì anh điềm tĩnh trả lời, không ai biết rằng trước khi vào đây anh từng có quãng thời gian loạn thần, hoảng loạn…

Anh Yên là người nông dân, thi thoảng có việc gì ai thuê thì làm. Sống trong làng quê, không có việc làm ổn định, anh hay tụ tập với vài người trong ngõ xóm. Cứ buổi sáng mọi người rủ nhau ăn sáng, uống rượu, rồi những lúc nhàn rỗi, chẳng có việc gì, ai có miếng ngon lại gọi nhau “nhấm” vài ly.

Cứ như vậy hơn 30 năm qua cuộc sống bình lặng trôi đi. Cho đến một ngày anh liên tục cáu gắt, đánh chửi vợ con, đập phá đồ đạc, tất cả đều từ những việc không rõ nguyên nhân. Lúc đầu vợ con không nghĩ rằng anh bị bệnh mà nghĩ già rồi khó tính, khó nết.

Lâu rồi anh mất ngủ, tối chỉ ngủ được 2-3 giờ, và hoảng loạn, đập phá uống rượu nhiều hơn. Thấy vậy, năm gia đình đưa anh tới Bệnh viện 103 thăm khám được bác sĩ kết luận loạn thần do rượu. Đây là lần thứ 2, anh nhập viện. Trước đó, anh Yên từng cai rượu không thành.

7 triệu chứng chính của hội chứng nghiện rượu 

GS.TS. BSCC Cao Tiến Đức (Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý Y học, Khoa Tâm thần, Bệnh viện 103, Hà Nội) chia sẻ: Có 7 triệu chứng chính của hội chứng nghiện rượu: Cảm giác thôi thúc phải uống rượu: người nghiện rượu khi đã bắt đầu uống rượu thì không thể ngừng lại được. Nếu bỏ rượu, họ cảm thấy thèm mãnh liệt.

Thói quen uống rượu hàng ngày: người uống rượu uống hết ngày này sang ngày khác. Họ uống rượu sau các khoảng thời gian nhất định để tránh hoặc làm nhẹ hội chứng cai rượu. Uống rượu được ưu tiên hơn các hành vi khác: với người nghiện rượu, uống rượu là ưu tiên hàng đầu, hơn cả sức khỏe gia đình, xã hội và nghề nghiệp.

Có hiện tượng dung nạp rượu: với một nồng độ rượu trong máu bình thường, người nghiện rượu không bị ảnh hưởng. Lượng rượu uống ngày càng tăng dần. Đến giai đoạn cuối của nghiện rượu, sự dung nạp rượu tụt xuống, người nghiện rượu mất năng lực chỉ sau khi uống một lượng rượu nhỏ.

Lặp đi, lặp lại hội chứng cai rượu: các triệu chứng của hội chứng cai rượu xuất hiện khi nồng độ rượu trong máu tụt xuống. Vì vậy, hội chứng cai rượu thường xuất hiện vào buổi sáng sớm, sau một đêm không uống rượu.

Uống rượu vào buổi sáng: người nghiện rượu phải uống rượu vào buổi sáng sớm, ngay sau khi thức giấc để chặn hội chứng cai rượu. Ở hầu hết các nền văn hóa, uống rượu buổi sáng được coi là nghiện rượu.

Tái nghiện rượu: sau một thời gian cai rượu, người nghiện rượu dễ dàng tái nghiện chỉ sau vài ngày uống rượu.

Ngày nay, hầu hết các tác giả đều sử dụng tiêu chuẩn sau để xác định nghiện rượu: Uống rượu hàng ngày trong thời gian từ 10 năm trở lên. Mỗi ngày uống tối thiểu 300ml rượu 400 cồn. Ở Việt Nam 80% số người nghiện rượu làm những nghề lao động nặng nhọc như thợ xây, thợ mộc, thợ rèn nhưng có đến 32,5% số người này thất nghiệp tại thời điểm nghiên cứu. Người nghiện rượu không chê bất kỳ loại đồ uống có cồn nào. Họ có thể uống bia, rượu vang, rượu mùi hoặc rượu mạnh. Nhưng họ thường chọn rượu mạnh, rẻ tiền để thỏa mãn nhu cầu rượu của mình.

Cơ chế sinh bệnh

Phần lớn rượu chuyển hóa trong gan thành hai giai đoạn:

Alcool chuyển hóa thành acetaldehyd dưới xúc tác của enzym alcool degydrogenase (ADH).
Acetaldehyd chuyển hóa thành acetat.

Chất acetaldehyd liên kết với các monoamin trong não để chuyển thành tetraisoquinolin. Chất này có tác dụng như một morphin nội sinh, gắn với các thụ cảm thể morphin ở não, gây ra sảng khoái khi uống rượu.

Mặt khác, rượu tác động lên phospholipid ở màng tế bào. Khi nghiện rượu mạn tính dẫn đến màng tế bào kém linh hoạt hơn, gây ra “màng cứng”. Nghiện rượu mạn tính gây giảm lượng GABA trong não và tăng số lượng thụ cảm thể GABA.

Người sảng rượu có số lượng GABA thấp hơn hẳn so với người bình thường. Khi cai rượu, sự kích thích lên các thụ cảm thể GABA bị đình chỉ đột ngột gây ra suy giảm đột ngột chức năng hệ GABAnergic, kết quả là mất ức chế trung ương và là nguồn gốc của nhiều triệu chứng cai rượu như tăng tiết mồ hôi, tăng huyết áp, mạch nhanh, run tay, cơn co giật kiểu động kinh…

Ngoài ra, khi cai rượu, trục dưới đồi - tiền yên - thượng thận cũng bị tác động làm tăng tiết corticoid, gây ra các triệu chứng mệt mỏi, cảm giác kiệt sức, cơn co giật kiểu động kinh, lú lẫn.

Nghiện rượu dẫn đến rất nhiều rối loạn về cơ thể và tâm thần: rối loạn thích ứng, trầm cảm, lo âu và mất ngủ thường xuyên có ở người nghiện rượu. Uống rượu nhiều dẫn đến các bệnh lý về đường tiêu hóa, bệnh tim mạch và tổn thương hệ thần kinh; loét dạ dày - hành tá tràng gặp ở 15% số người nghiện rượu; xơ gan và viêm tụy cũng có tỷ lệ tương tự ở các bệnh nhân này. Người nghiện rượu có tỷ lệ cao bị ung thư thực quản, dạ dày hoặc các phần khác của ống tiêu hóa.

Uống rượu nhiều còn gây tăng tỷ lệ tự sát ở bệnh nhân. Người nghiện rượu sẽ bị trầm cảm hoặc rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Chính các rối loạn này dẫn bệnh nhân đến các hành vi tự sát.

Thiên Thanh
Theo Đời sống Plus/GĐVN