Ngày 9/8, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cho biết, Khoa vừa điều trị cho một bé gái 9 tuổi có biểu hiện loạn thần như la hét, kích động không kiểm soát.
Khai thác thông tin từ gia đình, bác sĩ được biết, do bé có thành tích trong học tập nên được thưởng một chuyến đi chơi khắp trung tâm TP HCM. Sợ con say xe, mẹ bé đã cho con dùng miếng dán chống say tàu xe.
Sau hơn 1 tiếng đi xe khách từ Hóc Môn lên trung tâm thành phố, chưa đi chơi thì bé đã có dấu hiệu loạn thần, phải vào Bệnh viện Nhi đồng 1. Bệnh nhân đã được giữ lại theo dõi 2 ngày và xuất viện khi đã hết triệu chứng loạn thần.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trong miếng dán chống say tàu xe có chất scopolamine. Mặc dù Tổ chức Dược thế giới cấm dùng chất này cho trẻ nhỏ, nhưng ở Việt Nam nhiều người không biết điều này, vẫn vô tư dùng cho trẻ con.
Miếng dán chống say khi dùng cho trẻ em có thể dẫn đến loạn thần với các biểu hiện như: hoặc trẻ ngủ li bì, hoặc trẻ bị kích động, la hét, có ảo giác. Thông thường triệu chứng loạn thần chỉ kéo dài trong 72 giờ, nhưng bác sĩ vẫn phải theo dõi xem trẻ có bị hạ đường huyết hay không.
Ở những trẻ có biểu hiện kích động bất thường, rất dễ chẩn đoán nhầm với bệnh viêm não nếu như bác sĩ không nắm được thông tin là trẻ có dùng miếng dán chống say.
Ở người lớn, miếng dán chống say tàu xe cũng không phải hoàn toàn vô hại. Khoảng 10% người dùng miếng dán chống say có biểu hiện khó chịu, nôn nao sau đó.
Trước sự việc trên, bác sĩ khuyến cáo không được dùng miếng dán chống say tàu xe cho trẻ nhỏ dưới 12 tuổi, kể cả dùng nửa miếng cũng không được. Thay vào đó, để hạn chế say xe, nên ưu tiên cho trẻ ngồi ghế phía trước, không cho trẻ ăn quá no hay để quá đói trước khi lên xe. Một số mẹo dân gian chống say tàu xe như ngậm gừng tươi mọi người cũng có thể tham khảo và áp dụng.
Ăn 6 nhánh tỏi rang, điều thần kỳ sẽ xảy đến với cơ thể bạn. Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe