Thứ tư, 17/04/2024 | 05:16
RSS

Cảnh báo những nguy hại khi trẻ ăn quá nhiều bánh trung thu

Thứ bảy, 22/09/2018, 09:50 (GMT+7)

Theo chuyên gia dinh dưỡng, bánh trung thu không thể được coi như một bữa ăn hoàn chỉnh và không thích hợp để ăn nhiều trong ngày.

Chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo việc cho trẻ ăn bánh trung thu
Nhiều bậc cha mẹ băn khoăn cho bé ăn bánh trung thu có tốt cho sức khoẻ (Ảnh minh hoạ)

Bánh trung thu là loại bánh truyền thống, được sản xuất và sử dụng vào mỗi dịp Tết Trung thu hàng năm. Đây là loại bánh được trẻ em thích vì nhiều hình thù, màu sắc ngộ nghĩnh. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ cũng không khỏi băn khoăn trước câu hỏi cho bé ăn bánh trung thu có tốt cho sức khoẻ?

Trả lời báo Đời sống Plus, PSG TS Nguyễn Xuân Ninh, Trưởng phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM đã giải đáp thắc mắc của nhiều bậc phụ huynh.

Theo PSG TS Nguyễn Xuân Ninh, bánh trung thu có nguồn gốc ban đầu từ Trung Quốc thời nhà Đường và được sử dụng để quân đội ăn mừng sau trận chiến thắng và quay trở về vào ngày 15/8 âm lịch. Đến nay, có rất nhiều loại bánh trung thu đến từ những quốc gia khác nhau như Trung Quốc, Việt Nam Singapore, Nhật Bản Hàn Quốc với rất nhiều hình dạng, kích cỡ khác nhau.

Bánh trung thu cũng có rất nhiều vị mặn, ngọt, cay, với nhiều hương vị từ nhiều thương hiệu, kích cỡ và nguyên liệu khác nhau. 

“Tuy nhiên giá trị dinh dưỡng của những chiếc bánh trung thu không chênh lệch nhau quá nhiều. Một chiếc bánh trung thu cung cấp khoảng 350 kcalo, chứa khoảng 17g chất béo, trong đó có tới 65mg cholesterol, 45g carbohydrate và 28g đường.

Với giá trị dinh dưỡng như vậy, bánh trung thu có thể được sử dụng như một bữa phụ dành cho trẻ. Tuy nhiên, không nên cho trẻ ăn quá nhiều vì chứa nhiều đường, chất béo và muối, không tốt cho sức khoẻ của trẻ nếu ăn nhiều” - PSG TS Nguyễn Xuân Ninh cho biết.

Ăn nhiều bánh trung thu có nguy cơ mắc bệnh?

Chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo việc cho trẻ ăn bánh trung thu
Không nên cho trẻ ăn bánh trung thu nhiều và trước bữa ăn (Ảnh minh hoạ)

Giải đáp băn khoăn của nhiều người về việc trẻ ăn nhiều bánh trung thu có nguy cơ mắc bệnh gì không, Trưởng phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM cảnh báo: “Một số trẻ rất thích bánh trung thu, và cha mẹ có thể coi bánh trung thu như bữa tối và để trẻ ăn đến vài chiếc một ngày. 

Tuy nhiên, bánh trung thu không thể được coi như một bữa ăn hoàn chỉnh và không thích hợp để ăn nhiều trong ngày bởi bánh trung thu có nhiều đường và chất béo hơn gạo và những món ăn chính khác khiến trẻ có thể bị thừa năng lượng, thừa dinh dưỡng. Lâu ngày có thể làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì. Cũng không nên cho trẻ ăn bánh trung thu thay thế bữa sáng bởi bánh trung thu có quá nhiều chất béo và đường, lại ít protein.

Bên cạnh đó, bánh trung thu có thể khó tiêu hóa, hấp thụ với trẻ nhỏ nên trẻ ăn quá nhiều bánh trung thu sẽ gây ra vấn đề ở gan hoặc túi mật, và các bệnh cấp tính khác, chẳng hạn như đầy bụng, nôn mửa, không có cảm giác ngon miệng, táo bón và rối loạn tiêu hóa”.

Cho trẻ ăn bánh trung thu thế nào thì hợp lý?

PSG TS Nguyễn Xuân Ninh tư vấn cách cho trẻ ăn bánh trung thu hợp lý: Không nên ăn bánh trung thu quá nhiều. Khi ăn bánh trung thu, tốt hơn là chia bánh thành từng miếng nhỏ và để bé ăn cùng với gia đình và bạn bè để tránh ăn quá nhiều chất béo và đường. Bánh trung thu cũng không phải là món tráng miệng sau bữa ăn vì nó chứa quá ít chất xơ để thay thế trái cây”.

Với những trường hợp phụ huynh sợ con béo phì, cấm không cho con ăn bánh trung thu, chuyên gia dinh dưỡng cho rằng không nên cấm trẻ ăn bánh trung thu bởi có thể sẽ dẫn đến tình trạng thèm, khi trẻ nhìn thấy bánh trung thu sẽ ăn vô tội vạ. Với những trẻ bị thừa cân, béo phì, trẻ vẫn có thể ăn bánh trung thu bình thường, nhưng ăn với lượng vừa phải, mỗi lần chỉ ăn 1 miếng nhỏ. Sau khi trẻ ăn bánh trung thu, cha mẹ nên giảm lượng tinh bột và chất béo trong các bữa ăn sau của trẻ để cân bằng dinh dưỡng trong ngày. 

Cũng theo PSG TS Nguyễn Xuân Ninh, sau khi ăn bánh trung thu, tốt nhất là uống một ít trà, nước chanh hoặc ăn một số loại rau để cân bằng dinh dưỡng và ăn kiêng hợp lý. Chỉ nên ăn bánh trung thu ba giờ sau bữa ăn để tránh các rối loạn tiêu hóa. Không nên dùng bánh trung thu cho bữa ăn nhẹ vào nửa đêm. Thời gian ăn bánh không được gần thời gian đi ngủ.

Trước khi ăn bánh trung thu, nên cho trẻ ăn một ít thức ăn mặn để trẻ không cảm thấy quá béo và ngấy, kích thích sự thèm ăn với nước trái cây và uống một ít trà xanh để tiêu hóa nhanh hơn cũng như làm sạch dạ dày và ruột.


Xem thêm bác sĩ đông y chia sẻ bài thuốc giúp trẻ suy dinh dưỡng tăng cân​

Ngọc Châu
Theo Đời sống Plus/GĐVN