Rước đèn ông sao
Rước đèn lồng là một trong những hoạt động không thế thiếu của người Việt trong dịp tết Trung thu. Là cách thức tổ chức cho trẻ em cùng nhau rước đèn đi khắp thôn, xóm, khu phố trong đêm Trung Thu vừa hát bài "Chiếc đèn ông sao". Lễ hội rước đèn có thể được phát động bởi chính quyền địa phương hoặc những nhóm thanh niên trong làng xóm.
Những người lớn, nam nữ thanh niên cùng nhau làm những lồng đèn ông sao thật lớn hoặc những lồng đèn thật đẹp để thi thố với nhau trong lễ rước đèn. Cùng đèn ông sao, ngày nay, đèn được làm đa dạng với các hình thù khác nhau: đèn ông sư, đầu sư tử, đèn hình con cá, hình con thỏ…
Chuột nhử Mèo
Một nhóm người chơi gồm 6-7 em trở lên, các em "oẳn-tù-tỳ" để chọn ra 1 em làm chuột. Còn lại là mèo, ngồi bệt thành vòng tròn quay mặt vào tâm, hai tay quơ ra phía sau lưng đón mồi. Em "chuột" cầm chiếc khăn (mồi) chạy quanh ngoài vòng tròn và kín đáo thả khăn sau lưng một "mèo" nào đó, cố gắng đừng để mèo đó biết.
Chạy hết một vòng, nếu chuột phát hiện thấy mèo kia chưa biết có khăn mồi sau lưng, thì chuột có quyền cầm khăn mồi lên mà quất mạnh vào vai, vào lưng của chú mèo mất cảnh giác. Mèo bị thua phải đứng dậy chạy quanh tránh đòn, rồi về ngồi lại chỗ cũ thì thoát.
Nếu mèo mà phát hiện khăn mồi sau lưng, thì cầm khăn đứng lên và lao đi đánh đuổi chuột kia quanh vòng tròn. Chuột tránh đòn phải chạy nhanh hết vòng và ngồi vào vị trí của mèo bỏ lại mới thoát. Trò chơi cứ thế liên tục với "chú chuột" mới chính là... "mèo" thắng cuộc.
Trò chơi cam quýt mít dừa
Đây là một trò chơi Tết trung thu. Tham gia trò chơi gồm 8 bé. Trong nhóm chọn ra một bé cầm cái, 7 bé còn lại xếp thành một hàng ngang đặt tên lần lượt theo bảy loại quả: Cam, Quýt, Mít, Dừa, Dưa, Hồng, Bưởi. Mỗi bé đứng cách nhau và đưa bàn tay ra sau lưng, đan tay lại thành một bát để hứng. Cách hàng ngang 10 -15m, vẽ một đường thẳng làm đích đến.
Bạn nhỏ cầm cái sẽ cầm trái cây hay một quả banh nhỏ, đặt ngẫu nhiên vào tay hứng của 1 trong 7 bạn nhỏ, nhận được bạn đó phải chạy ngay về đích trong khi 2 người bên cạnh tìm cách ngăn lại.
Nếu đến được đích mà quả banh không bị rơi xuống đất, bạn nhỏ sẽ được gọi tên một loại quả bất kì (ứng với mỗi người chơi), để được cõng về vị trí cũ và trò chơi lại tiếp tục. Trò chơi trung thu cam quýt mít dừa được các em nhỏ từ xưa đến nay rất ưa chuộng, mang đến cho các em những giây phút thoải mái vui đùa.
Trang trí mâm quả
Trong ngày Tết trung thu, không thể không kể đến mâm ngũ quả, vừa để thờ cúng gia tiên, vừa để trang trí và là một phần không thể thiếu cùng bánh trung thu. Thông thường, khi tổ chức các chương trình, sự kiện vui tết trung thu, các tập thể cũng đều tổ chức phần thi trang trí mâm quả để thử tài khéo léo giữa các đội, các cá nhân với nhau.
Mâm quả được trang trí đẹp mắt với nhiều tạo hình khác nhau sẽ tạo được nhiều hiệu ứng cũng như mang lại vẻ đẹp cho chương trình, chủ yếu là một số loại quả như bưởi, chuối, hồng, nho, dưa hấu . Trang trí mâm quả là một trò chơi thú vị và cũng là lúc để mọi người trổ tài khéo léo và khả năng cẩn thận của mình.
Múa Lân
Theo dân gian, Kỳ Lân là con vật thần thoại huyền bí, mình hươu, móng ngựa, đuôi bò, miệng rộng, mũi to, có một sừng trên trán, lông trên lưng màu ngũ sắc, lông dưới bụng màu vàng. Đó là con vật rất hiền (còn gọi là nhân thú), không đạp lên cỏ cây, không làm hại vật sống. Như vậy trò múa Lân trong đêm Trung Thu tượng trưng cho sự xuất hiện của Kỳ Lân, cũng là sự cầu mong đất nước thái bình, thịnh trị, nhà nhà gặp nhiều may mắn.
Hãy chuẩn bị 1 cái trống cỡ vừa, vẽ mặt nạ lân, ông địa, thần tài. Hướng dẫn trẻ vào vai diễn và chạy vòng theo nhịp trống để tạo không khí sôi động trước khi bắt đầu các trò chơi khác.