Thứ sáu, 22/11/2024 | 05:15
RSS

Cảnh báo nguy cơ cháy nổ từ bóng bay hydro, thứ đồ chơi rất nhiều mẹ hay mua cho con

Chủ nhật, 12/02/2017, 16:40 (GMT+7)

Những chùm bóng bay hydro nhiều màu sắc là món đồ chơi ưa thích của trẻ em. Tuy nhiên, khí hydro trong bóng bay tiềm ẩn nguy cơ gây bỏng khi phát nổ.

Những vụ nổ đáng sợ từ bóng bay chứa khí hidro

Chiều ngày 11/2/2017, một vụ nổ trong xe ô tô cực kỳ nguy hiểm xảy ra tại phố Cửa Đông (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Thông tin hiện trường cho biết, chiếc xe ô tô đi từ Văn Miếu tới ngã tư Cửa Đông - Hàng Gà, Hàng Phèn - Nhà Hỏa thì quả bóng bay trong xe phát nổ.

Trên xe có tài xế, một người già và 2 cháu gái nhỏ. Quả bóng bay trong xe là loại bóng to hay bán dịp Tết. Cháu bé ngồi ghế phụ nghịch quả bóng bay này. Bóng nổ lớn làm vỡ tung kính, cong cánh xe.

Hiện trường vụ nổ xe tại Hà Nội

Mọi người trên xe tóc đều bị cháy xém. Hai cháu bé hoảng sợ, khóc và được người thân đến đón về. Một nhân chứng cho biết, rất may trước thời điểm quả bóng bay nổ thì một bên kính xe đã được hé mở, nếu không vụ nổ có thể còn nguy hiểm gấp nhiều lần.

Cách đây 6 tháng, cụ thể vào tối ngày 16/2/2016, một chùm bóng bay bơm khí hydro phát nổ tại một điểm vui chơi ngoài trời ở TP Đồng Hới (Quảng Bình) khiến 9 người bị thương. Một người chứng kiến sự việc kể có nam thanh niên dùng bật lửa để đốt dây cột bóng bay nhằm lấy bóng thì cả chùm phát nổ, gây cảnh hỗn loạn, nhiều người vứt xe máy ôtô bỏ chạy. Tuy các nạn nhân đều may mắn sống sót song hậu quả của vụ nổ này vô cùng nặng nề: 1 nạn nhân bỏng độ 3, 5 người bỏng độ 2 và 3 người còn lại đều chịu thương tích không nhẹ.

Nạn nhân vụ nổ bong bay năm ngoái

Trước nữa, vào chiều 1/7/2015, nhân dịp sinh nhật cháu C.M.H (3 tuổi, Trần Duy Hưng, Hà Nội), bà N.T.Y (53 tuổi) mua 2 quả bóng bay mang đến lớp trong lúc đón cháu. Khi cháu H. vừa cầm bóng thì bất ngờ 2 quả bóng bay phát nổ khiến cháu bị bỏng toàn bộ vùng mặt. Bà Y. ôm để che cho cháu cũng bị bỏng 2 bàn tay và cổ tay. Hai bà cháu được đưa vào viện Bỏng Quốc gia để cấp cứu.

Bóng bay hydro nguy hiểm ra sao?

Khí hydro nhẹ, cấu trúc phân tử bé nên bơm vào bóng bay thế này thẩm thấu cực nhanh, và có thể nổ mà không cần nguồn lửa. Bóng có áp lực căng nên nếu gặp nguồn nhiệt như tàn thuốc, bật lửa, ánh nắng mặt trời… có thể phát nổ, cháy gây bỏng cho những người đứng gần.

Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng bóng bay, nguồn khí bên trong bóng bay rất dễ thẩm thấu ra ngoài, trong đó ra nhiều ở cuống bóng chỗ buộc dây. Vì thế khi nạn nhân đốt dây vô tình khiến cho luồng khí bị đốt nóng, thể tích giãn nở gây ra cháy nổ. Những vụ nổ bóng bay thường nguy hiểm cho những người đứng gần, có thể bỏng da tay da mặt là những vị trí nhạy cảm.

Bóng bay được sử dụng khá nhiều trong dịp lễ khai giảng

Theo bác sỹ Lương Quốc Chính (Khoa A9, Bệnh viện Bạch Mai):  "Hydro rất có ái lực với oxy. Chúng kết hợp với nhau để tạo thành nước, đồng thời giải phóng ra một lượng lớn năng lượng với nhiệt độ có thể lên tới 3000 độ C. Do vậy, cần cảnh giác với bỏng do nổ bóng bay".

Bên cạnh đó, không chỉ gây bỏng, loại bóng bay này còn gây hại đến sự phát triển của trẻ.  PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo: “Hầu hết các loại bóng bay trên thị trường hiện nay đều rất độc khi cho trẻ nhỏ thổi, ngậm, mút hay cầm tay. Nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển về thể chất và tinh thần chưa hoàn chỉnh của trẻ”.


Theo Chất lượng Việt Nam