Thứ sáu, 22/11/2024 | 13:16
RSS

Cán bộ xã chỉ đạo chôn 80 con lợn mắc dịch tả châu Phi trong khu dân cư

Thứ năm, 13/06/2019, 06:56 (GMT+7)

Nhiều tấn lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi của một hộ gia đình buộc phải tiêu huỷ bằng phương pháp chôn lấp. Tuy nhiên, số lợn này lại được chính quyền xã đào hố chôn lấp ngay trong khu dân cư.

Hơn 6 tấn lợn mắc dịch tả lợn Châu Phi được chôn lấp ngay trong khu dân cưHố chôn lấp hơn 6 tấn lợn chết dịch nằm ngay sát khu dân cư khiến nhiều người dân bức xúc

Chôn lợn chết ngay trong vườn nhà dân

Ngày 10/6, toà soạn Đời sống Plus nhận được đơn thư phản ánh của nhiều hộ dân hiện đang sinh sống tại cụm dân cư số 3, thôn Cơ Giới (xã Thuỵ An, huyện Ba Vì, Hà Nội) về việc chính quyền xã này chôn lấp số lượng lớn lợn chết dịch ngay trong khu dân cư gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Cụ thể, theo thông tin người dân cung cấp, vào ngày 25/5, đàn lợn 80 con với tổng trọng lượng 6381kg của hộ gia đình anh Nguyễn Văn Chiến (trú tại thôn Đông Kỳ, xã Thuỵ An) bị mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Đến buổi chiều cùng ngày, UBND xã Thuỵ An đã cử cán bộ xuống tiến hành lập biên bản, kiểm đếm và thực hiện tiêu huỷ đàn lợn mắc bệnh trên. “Khi cơ quan chức năng tiến hành đào hố để tiêu huỷ, cả cụm dân cư chúng tôi không một ai biết gì.

Theo quy định khi tiến hành tiêu huỷ phải bắt buộc có các thành phần trong đó có trưởng thôn nhưng thời điểm cơ quan chức năng làm việc lại không có đồng chí trưởng thôn Cơ Giới mà lại có mặt đồng chí trưởng thôn Đông Kỳ là ông Đinh Thanh Lâm (thôn Đông Kỳ cách thôn Cơ Giới 2km)”, một người dân sống tại cụm dân cư số 3 cho biết.

Khi phát hiện có tiếng lợn kêu, nhiều người dân mới chạy ra xem thì phát hiện cơ quan chức năng đào hố, chôn hơn 6 tấn lợn chết dịch ngay tại khoảng đất được vợ chồng anh Chiến sử dụng để chăn nuôi.

Khu vực chôn lợn dịch nằm trong mảnh vườn rộng hơn 500 m2, hố chôn nằm trong góc vườn có đường kính 8 m, cách khu dân cư khoảng 15 m và gần nhiều giếng sinh hoạt của các hộ dân thôn Cơ Giới. Đặc biệt, có 2 hộ dân đang tiến hành xây nhà, nếu tính chính xác, khoảng cách từ hố chôn lấp đến căn nhà của 2 hộ dân này chỉ chừng 3-4m.

Nhận thấy việc chôn lấp số lượng lớn lợn chết dịch ngay trong khu dân cư và cạnh nguồn nước sinh hoạt của dân, một số người dân tại cụm dân cư số 3 đã có ý kiến thì nhận được sự phản hồi của cơ quan chức năng ngay tại thời điểm đó là đã làm đúng theo chỉ thị của huyện Ba Vì.

Hơn 6 tấn lợn mắc dịch tả lợn Châu Phi được chôn lấp ngay trong khu dân cư2Khu vực hố chôn lấp hơn 6 tấn lợn chết dịch chỉ cách một ngôi nhà của người dân đang được xây dựng 1 bờ tường bao

“Trong cụm dân cư chúng tôi, chỉ có một số hộ dân dùng nước sạch để sinh hoạt còn lại hầu hết đều sử dụng nước mặt cho các hoạt động sinh hoạt thường ngày, việc chính quyền chôn lấp sai quy định ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân về sau này.

Không những thế, trước mắt, thỉnh thoảng dân cư chỗ chúng tôi vẫn thấy xuất hiện mùi hôi thối của xác lợn chết bốc lên”, bà Đỗ Thị Thuý Linh, một hộ dân chia sẻ.

Bức xúc trước việc tiêu huỷ lợn dịch không đúng theo quy định, ngày 30/5, người dân sinh sống tại cụm dân cư số 3 đã làm đơn lên chính quyền xã để phản ánh. Đến ngày 5/6, UBND xã cho đống chí trưởng thôn xuống và thông báo không di dời hố chôn và không có biện pháp khắc phục tình trạng trên.

Đến ngày 7/6, bức xúc trước cách giải quyết của chính quyền xã Thuỵ An, người dân tiếp tục làm đơn ra UBND huyện Ba Vì yêu cầu vào cuộc xử lý vụ việc nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời của lãnh đạo cấp huyện.

Bên cạnh việc bức xúc trước việc chính quyền tiến hành chôn lấp lợn chết dịch ngay trong khu dân cư, tại buổi trao đổi với PV, người dân còn cho biết họ có nhiều thắc mắc về quá trình tiêu huỷ lợn dịch của chính quyền địa phương tại gia đình anh Chiến.

“Thứ nhất là việc tại buổi tiêu huỷ lợn không có đại diện cho người dân tại thôn Cơ Giới (theo quy định là đồng chí trưởng thôn này) mà lại có sự có mặt của trưởng thôn Đông Kỳ là ông Đinh Thanh Lâm.

Theo chúng tôi, ông Lâm không có nhiệm vụ gì nhưng tại sao lại có mặt tại buổi tiêu huỷ lợn trên địa bàn thôn Cơ Giới. Phải chăng có khuất tất gì trong quá trình tiêu huỷ lợn dịch nên ông Lâm được gọi đến và có tên trong danh sách ghi biên bản.

Trong khi đó, người dân thôn Cơ Giới không có một ai chứng kiến việc tiêu huỷ lợn của chính quyền xã nên không thể biết được việc tiêu huỷ có đúng theo quy trình hay không.

Thứ 2 là việc thời điểm trước khi hộ gia đình anh Chiến mắc dịch, chính quyền xã cũng đến kê khai số lợn hộ gia đình này chăn nuôi nhưng thời điểm đó số lợn này ít hơn rất nhiều so với số lượng lợn kê khai trước khi đem đi tiêu huỷ. Phải chăng có sự kê khai khống số lượng lợn chết dịch?

Có sai nhưng lợn phân huỷ rồi không xử lý được

Chiều ngày 10/6, trao đổi với PV, ông Nguyễn Đắc Nguyên, Chủ tịch UBND xã Thuỵ An cho biết chính quyền xã cũng nhận được thông tin phản ánh của nhiều người dân tại cụm dân cư số 3 (thôn Cơ Giới) về việc tiêu huỷ đàn lợn dịch của gia đình anh Nguyễn Văn Chiến.

Ông Nguyên cho biết, sau khi nhận được thông tin, đại diện Hội đồng tiêu huỷ gia súc xã Thuỵ An do ông Đỗ Văn Đạt, Phó chủ tịch UBND xã Thuỵ An làm trưởng ban đã có mặt cùng 4 ông bà làm nhiệm vụ tại xã và 2 đồng chí đại diện Trạm chăn nuôi Thú y huyện Ba Vì đến để lập biên bản, kê khai số lượng lợn chết dịch của hộ gia đình anh Chiến và thực hiện việc tiêu huỷ.

“Ổ dịch tại gia đình ông Chiến được xã xử lý theo đúng phương châm 4 tại chỗ và được ông Chiến đồng ý cho đoàn tiến hành chôn lấp ngay tại vườn của gia đình.

Lúc đó chúng tôi xác định phải xử lý ngay không để dịch lây lan ra những hộ dân khác. Quá trình chôn lấp cũng rất cẩn thận, có lớp bọc bên ngoài và đổ hóa chất đầy đủ", ông Nguyên nói.

Khi được hỏi về việc việc chôn lấp có đáp ứng đủ các quy định về khoảng cách chôn lấp động vật dịch bệnh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hay không, ông Nguyên cho biết bản thân không nắm rõ khoảng cách là bao nhiêu và ông cũng thừa nhận khoảng cách an toàn theo quy định của việc chôn lấp là không đúng.

PV hỏi tiếp về phương án khắc phục những sai sót trong việc chôn lấp lợn chết dịch tránh gây ảnh hưởng cho người dân như nào? Vị Chủ tịch UBND xã Thuỵ An cho biết: “Nếu như sau khi chôn lấp, người dân có ý kiến thì chúng tôi sẽ xử lý ngay, tuy nhiên sau một thời gian người dân mới phản ánh nên hiện giờ việc xử lý rất khó vì lợn chết dịch đang trong quá trình phân huỷ”.

Hơn 6 tấn lợn mắc dịch tả lợn Châu Phi được chôn lấp ngay trong khu dân cư3Chính quyền xã Thuỵ An thừa nhận có sai xót về khoảng cách hố chôn lấp với các hộ dân gần đó nhưng lợn đã phân huỷ rồi nên không xử lý được

Tại buổi làm việc với PV, ông Đỗ Văn Đạt, Phó chủ tịch UBND xã Thuỵ An, Trưởng hội đồng tiêu huỷ gia súc xã Thuỵ An cho biết thêm. “Sau khi nhận được phản ánh của người dân về việc có phát hiện mùi hôi từ hố chôn lấp lợn dịch, chúng tôi đã có mặt để kiểm tra.

Kết quả kiểm tra bằng cảm quan ban đầu không phát hiện thấy mùi hôi thối gì. Thực chất, việc kiểm tra, phát hiện mùi trong không khí cần phải có máy móc, thiết bị nhưng qua kiểm tra bằng cảm quan ban đầu chúng tôi thấy không có mùi gì”.

Lý giải về việc không đáp ứng đủ tiêu chuẩn về khoảng cách, chôn lấp lợn chết dịch ngay trong khu dân cư, ông Đạt cũng thừa nhận có sai sót trong vấn đề này. Tuy nhiên, ông Đạt phân trần rằng do diện tích đất để chôn lấp tại xã Thuỵ An là không có nên mới phát sinh nhưng sai sót trên.

Ông Đạt cũng cho rằng, thời điểm hiện tại cụm dân cư số 3 tất cả các hộ đã dùng nước sạch trong sinh hoạt nên việc chôn lấp sẽ làm ảnh hưởng nguồn nước như người dân phản ánh là không đúng.

Tiếp tục thông tin về thắc mắc của người dân việc tại buổi chôn lấp không có đại diện thôn Cơ Giới dẫn đến người dân băn khoăn việc liệu có khuất tất gì trong việc tiêu huỷ lợn dịch, ông Đạt cho biết.

“Đúng là theo quy định tại buổi chôn lấp phải có sự chứng kiến của đại diện thôn (đồng chí trưởng thôn). Tuy nhiên, hôm đó sau khi được báo, đồng chí trưởng thôn Cơ Giới bị ốm, chúng tôi cũng đã liên hệ đồng chí phó thôn nhưng không được.

Về việc có sự có mặt của trưởng thôn Đông Kỳ là ông Đinh Thanh Lâm tại buổi chôn lấp là do gia đình anh Nguyễn Văn Chiến có hộ khẩu tại thôn Đông Kỳ nên ban chôn lấp mời ông này đến để làm chứng”.

Giải đáp thắc mắc của người dân liên quan đến việc thời điểm trước khi hộ gia đình anh Chiến mắc dịch, chính quyền xã cũng đến kê khai số lợn hộ gia đình này chăn nuôi nhưng thời điểm đó số lợn này ít hơn rất nhiều so với số lượng lợn kê khai trước khi đem đi tiêu huỷ, ông Đạt nói.

“Thực chất, thời điểm phát sinh dịch, chúng tôi cũng đã đến hộ anh Chiến để lấy thông tin số lượng lợn và anh này có thông tin số lượng lợn ít đi thật. Tuy nhiên, lúc đó dịch đang bùng phát, nhiều hộ dân lo lắng sợ đàn lợn của gia đình mình bị lây nhiễm nên không cho người lạ vào. Cái này họ làm đúng, qua khảo sát, các hộ chăn nuôi khác cũng hạn chế việc cho người lạ vào đề phòng lây lan dịch.

Tuy nhiên, đến thời điểm lợn của gia đình anh này mắc dịch và chết, chúng tôi có mặt cả đại diện Trạm chăn nuôi thú y huyện Ba Vì đã có mặt và tiến hành kê khai đúng theo số lượng, trọng lượng phục vụ cho việc hỗ trợ của thành phố sau này chứ không có điều gì khuất tất cả”.

T.K
Theo Đời sống Plus/GĐVN