Thứ sáu, 19/04/2024 | 17:52
RSS

Căn bệnh bẩm sinh khiến lá lách của bé trai nặng hơn 3 kg

Thứ ba, 10/11/2020, 16:58 (GMT+7)

Bé trai 3 tuổi mắc căn bệnh bẩm sinh, đã điều trị hơn hai năm. Gần đây, bé vào viện truyền máu, kết quả siêu âm phát hiện lá lách của to khổng lồ, nặng hơn 3 kg lấn qua ruột thừa.

Ngày 10/11, VNExpress dẫn nguồn tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) cho biết, các bác sĩ đơn vị này vừa phẫu thuật thành công cắt lá lách “khổng lồ”, chiếm gần 1/4 trọng lượng cơ thể cho một bệnh nhi.

Cụ thể, bệnh nhi là cháu C.N.T., 3 tuổi ở xã Minh Hoá, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Khai thác bệnh sử được biết, cháu bé bị bệnh lý Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh do khiếm khuyết yếu tố ổn định huyết sắc tố), đã điều trị hơn 2 năm. Đợt này, bệnh nhân vào viện để truyền máu. 

Cháu T. nhập viện trong tình trạng thiếu máu nặng, da xanh, niêm mạc nhạt màu. Tại đây, qua thăm khám, siêu âm, các bác sỹ phát hiện thấy lá lách của bé to khổng lồ, lấn sang vị trí của ruột thừa. 

Thông thường, lách không được cắt bỏ quá sớm (trước 5 tuổi), để duy trì chức năng miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên, do lá lách của cháu bé quá to nên các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cắt lách cho bệnh nhi. 

Trong quá trình mổ, các bác sĩ đã tiến hành cắt bỏ lá lách nặng hơn 3 kg (trong khi trọng lượng cơ thể chỉ 13 kg) ra khỏi ổ bụng của bệnh nhi. Sau phẫu thuật, tình hình sức khỏe của bệnh nhi ổn định và đã được xuất viện về nhà.

Căn bệnh bẩm sinh khiến lá lách của bé trai nặng hơn 3 kg

Các bác sĩ cắt bỏ lá lách "khổng lồ", nặng 3 kg ra khỏi ổ bụng bệnh nhân. Ảnh: VNExpress

Trao đổi với báo Quảng Bình, bác sỹ Hoàng Minh Hùng, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết, lá lách là một tạng nhỏ có trọng lượng 120 đến 150g, nằm sâu trong ổ bụng, núp dưới vòm hoành trái. Lách có vai trò quan trọng trong miễn dịch. 

Thalassemia là một bệnh di truyền huyết học phổ biến nhất trên thế giới Tại Việt Nam, bệnh Thalassemia được ghi nhận từ năm 1960, hiện nay có khoảng 10 triệu người mang gen bệnh, khoảng 20000 người bị Thalassemia thể nặng, ước tính mỗi năm có khoảng 2000 trẻ sinh ra mắc bệnh Thalassemia. 

Nó gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến giống nòi, ảnh hưởng đến cuộc sống của bệnh nhân và cả cộng đồng. Bệnh lý Thalassemia có thể gây ra các biến chứng như: biến dạng xương ở mặt, mũi tẹt, răng vẩu; loãng xương, dễ gãy xương; da sạm, củng mạc mắt vàng; sỏi mật; dậy thì muộn ở nữ; chậm phát triển thể chất; biến chứng tim mạch; cường lách…

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN