Thứ bảy, 18/01/2025 | 17:04
RSS

Cách ứng phó với 6 bệnh dễ tấn công khi đợt mưa rét đang tràn về

Thứ bảy, 01/02/2020, 08:43 (GMT+7)

Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột là điều kiện thuận lợi cho một số bệnh cảm cúm, viêm đường hô hấp, sốt siêu vi, tim mạch,... tấn công cơ thể chúng ta.


Khi nghi ngờ bị viêm mũi dị ứng, không nên tự ý uống thuốc mà nên đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An - Nguyên trưởng khoa Tai Mũi Họng nhi - BV Tai Mũi Họng Trung Ương hiện là Giám đốc BV Đa khoa An Việt, đang chuyển mùa sang đông với nhiều đợt gió mùa mưa rét tràn về, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột là điều kiện thuận lợi cho một số bệnh cảm cúm, viêm đường hô hấp, sốt siêu vi, tim mạch,... tấn công cơ thể chúng ta.

6 bệnh thường gặp khi trời trở lạnh

1. Viêm họng

Triệu trứng đầu tiên của bệnh là đau họng khi nuốt nước bọt hay khi ăn, khàn tiếng, có những cơn ho do bị kích ứng ở đường hô hấp và có thể kèm theo cả sổ mũi. Nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn. Có nhiều trường hợp viêm họng là do virus gây lên. Nếu không điều trị kịp thời thì bệnh sẽ dần nặng thêm và có thể dẫn đến viêm phổi và có những biến chứng cho cơ tim và van tim.

2. Viêm mũi dị ứng

Các triệu chứng viêm mũi dị ứng xuất hiện điển hình bao gồm: nghẹt mũi, chảy nước mũi, nước mắt… Bệnh có hai dạng: theo mùa và quanh năm với các triệu chứng điển hình: nghẹt mũi, chảy nước mũi trong, ngứa mũi, hắt hơi, nặng hơn có thể là đau đầu.

Các biểu hiện của dị ứng thời tiết thường chỉ điều trị tạm thời và hầu như không thể dứt điểm. Những chất gây dị ứng trong không khí tương đối nhiều, do đó tránh tiếp xúc với chúng là cách phòng bệnh hiệu quả và đơn giản nhất.

Viêm mũi dị ứng gây khó chịu và phiền toái cho người bệnh khi liên tục hắt hơi, sổ mũi. Không chỉ có vậy, bệnh còn gây đau đầu, khó tập trung, giảm hiệu quả lao động và chất lượng cuộc sống. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ trở thành bệnh mãn tính và rất khó điều trị dứt điểm.

Vì những triệu chứng điển hình của viêm mũi dị ứng dễ nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác nên nhiều người tự ý mua thuốc về uống. Tuy nhiên, đây là việc làm vô cùng có hại đến sức khỏe. Vì vậy, khi nghi ngờ bị viêm mũi dị ứng, bạn không nên tự ý uống thuốc mà nên đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

 


PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An khám bệnh cho bệnh nhân

3. Bệnh cảm cúm

Thời điểm giao mua người già và trẻ em là đối tượng rất dễ mắc bệnh cảm cúm do hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện hoặc suy giảm, khiến virus cúm dễ xâm nhập cơ thể, gây bệnh.

Khi bị cúm người bệnh sẽ cảm thấy sốt nhẹ, chóng mặt đau đầu, ho và đau họng, đôi khi nghẹt mũi, chán ăn và đặc bịệt là bị chảy nước mũi và hắt hơi… Vì cảm cúm là bệnh lây qua đường hô hấp nên để phòng bệnh, cần tránh tiếp xúc với những người đang mắc bệnh cúm.

4. Bệnh đường ruột

Các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa cũng thường phát triển vào những thời điểm giao mùa. Bởi nhiệt độ nóng lạnh thất thường kiến cho thức ăn rất dễ bị nhiễm khuẩn, thời gian từ tháng 8 đến tháng 12, là cao trào của bệnh liên quan đến đường ruột.

Biểu hiện của bệnh liên quan đến đường tiêu hóa là phát bệnh đột ngột và phần lớn trẻ mắc bệnh thường là sốt cao( 38-40 độ C) và phần lớn kèm theo các biểu hiện như sổ mũi, ngạt mũ, hắt hơi, ho và rát họng.

Nếu bệnh nặng xuất hiện các biểu hiện như đại tiện dạng nước hoặc buồn nôn do đường ruột của các bé chưa phát triển hoàn thiện, các hoạt tính enzime còn yếu, tuy nhiên nhu cầu dinh dưỡng lại khá cao và đồng thời phải gánh trọng trách của đường ruột.

Để phòng tránh bệnh, tăng sức đề kháng cho cơ thể, chúng ta nên hoạt động ngoài trời nhiều hơn, uống nước thường xuyên và bổ sung vitamin ăn nhiều thực phẩm chứa kẽm, vitamin.

5. Bệnh liên quan đến xương khớp

Hầu hết những người bệnh có liên quan đến xương khớp rất sợ mỗi khi thời tiết chuyển mùa. Bệnh nhân không chỉ bị đau, sưng tấy các khớp tay, chân mà người bệnh còn bị viêm nhiều khớp khác trên cơ thể. Cùng với các triệu chứng tại khớp là hiện tượng toàn thân như sốt, mệt mỏi, người xanh xao, sút cân…

6. Bệnh tim mạch

Trong những ngày trời trở lạnh, số trường hợp bị nhồi máu cơ tim gia tăng, kể cả nguy cơ đột quỵ cũng tăng. Những người có vấn đề về tim mạch sẽ càng tăng nguy cơ bị bệnh suy tim. Đó là do khi thay đổi thời tiết đột ngột, cơ thể cũng phải thay đổi để thích ứng với thời tiết, từ đó có thể làm quá tải hệ thống tim mạch. Ngay cả những người khỏe mạnh cũng nên đề phòng chứng tăng huyết áp, khó thở, tim đập nhanh do sự thay đổi nhiệt độ dễ gây ra những cơn co thắt nhiều ở mạch máu.

Để phòng ngừa bệnh tim mạch, nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nhiều rau xanh, hoa quả và cá, hạn chế chất béo có hại, không hút thuốc và chăm chỉ thể dục. Nếu thấy có vấn đề về tim mạch hay huyết áp, cần chú ý theo dõi, đi khám bác sĩ để điều chỉnh hoạt động của tim mạch và huyết áp, ngăn ngừa bệnh, không nên để đến khi bị bệnh trầm trọng mới điều trị.

Cách bảo vệ sức khỏe khi giao mùa

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An, để phòng tránh bệnh tật khi chuyển mùa, tăng sức đề kháng cho cơ thể, chúng ta nên hoạt động ngoài trời nhiều hơn, uống nước thường xuyên và bổ sung vitamin C giúp ngăn ngừa cảm cúm, ăn nhiều thực phẩm chứa kẽm, vitamin A, tạo thói quen vệ sinh cá nhân và chăm sóc răng miệng tốt. Ngủ đúng giờ, đủ giấc là một cách tốt nhất để phòng bệnh giao mùa.

Đối với các bệnh lý liên quan đến Tai Mũi Họng, PGS.TS Nguyễn Hoài An cho hay: Có thể dùng nước muối sinh lý NaCl 0,9% để làm vệ sinh mũi và dụng cụ hút mũi cho trẻ khi bé bị sổ mũi. Khi thời tiết giao mùa nên giữ đủ ấm cho trẻ, đặc biệt là giữ ấm vùng cổ và tay chân.

Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Hiền - Nguyên trưởng khoa khám bệnh - BV Bạch Mai, hiện đang công tác tại Chuyên khoa Nội - Bệnh viện An Việt: Ngoài thay đổi lối sống lành mạnh như bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, năng tập thể dục, cần kiểm soát tốt huyến áp, mỡ máu và đường máu thông qua việc kiểm tra sức khỏe 6-12 tháng/lần”.

Kim Hảo
Theo Đời sống Plus/GĐVN