Thứ sáu, 26/04/2024 | 04:33
RSS

Các tỉnh, DN đồng loạt kiến nghị cho xuất khẩu gạo không hạn ngạch

Thứ tư, 22/04/2020, 18:05 (GMT+7)

Tại cuộc họp bàn về cơ chế điều hành xuất khẩu gạo do Bộ Công thương tổ chức ngày 22/4 tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều tỉnh, doanh nghiệp đều đồng loạt kiến nghị cho áp dụng xuất khẩu gạo không cần hạn ngạch ngay trong tháng 5, bởi nguồn cung trong nước đang dư thừa.

Ngày 20/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đồng ý tạm ứng trước hạn ngạch 100.000 tấn gạo từ hạn ngạch xuất khẩu trong tháng 5, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hiện có gạo tồn đọng tại cảng nhưng chưa mở được tờ khai hải quan.

Trước đó, Bộ Công Thương chốt phương án cho phép doanh nghiệp được mở tờ khai đăng ký xuất khẩu trong tháng 4 là 400.000 tấn, dựa trên cơ sở dữ liệu về tình hình xuất khẩu gạo đầu năm, tình hình thu hoạch vụ đông xuân và thực tế dự trữ gạo trong nước.

Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 22/4 ở TP.HCM bàn về điều hành xuất khẩu gạo trong tình hình dịch bệnh và tìm cơ chế xuất khẩu gạo cho tháng 5, nhiều lãnh đạo địa phương đến các doanh nghiệp đều đề xuất cho xuất khẩu gạo lại bình thường, không áp dụng hạn ngạch nữa.

Các tỉnh, DN đồng loạt kiến nghị cho xuất khẩu gạo không hạn ngạch

Lãnh đạo các địa phương sản xuất lúa và nhiều doanh nghiệp đề xuất cho xuất khẩu gạo bình thường, không hạn ngạch.

Lãnh đạo tỉnh Long An cho biết việc xuất khẩu theo hạn ngạch 400.000 tấn là không nên. Lo lắng thiếu gạo trong nước là nguyên nhân khiến Bộ Công Thương đề xuất hạn chế xuất khẩu. Nhưng đến nay, nguồn cung tốt, đảm bảo đủ cho xuất khẩu dù thế giới có thiếu gạo. Ngay cả ở trong nước, nhu cầu tiêu thụ gạo cũng được chia sẻ bởi nhiều nguồn khác, kể cả mì tôm.

“Các bộ ngành đã nỗ lực tìm kiếm thị trường, bây giờ có thị trường thì phải cho xuất khẩu bình thường, không nên xem xét lại hạn ngạch nữa”, ông này đề nghị.

Kiên Giang là tỉnh sản xuất lúa 2 vụ lớn nhất ĐBSCL, với 298.000ha. Lãnh đạo tỉnh này cho biết, Kiên Giang đã xuống giống hơn 100.000ha lúa hè thu. Đến cuối tháng 5 sẽ thu hoạch, dự kiến khoảng 1,6 triệu tấn lúa. Trừ phần dự trữ và giống cho tái sản xuất thì vẫn còn khoảng 500.000 tấn. Tỉnh Kiên Giang khẳng định không lo thiếu gạo và xuất khẩu là cần thiết.

Các tỉnh, DN đồng loạt kiến nghị cho xuất khẩu gạo không hạn ngạch

Khoảng một tháng rưỡi nữa sẽ bắt đầu thu hoạch rộ vụ hè thu.

Còn theo lãnh đạo Sở Công Thương Đồng Tháp, vụ hè thu tỉnh này có 139.000ha đang xuống giống và chuẩn bị thu hoạch hơn 47.000ha. Nếu cộng sản lượng lúa trong tháng 4 tồn lại, cùng với lúa hè thu sắp thu hoạch, Đồng Tháp có khoảng 350.000 tấn; tương đương 200.000 tấn lúa hàng hóa. Đồng Tháp hoàn toàn có khả năng đảm bảo xuất khẩu theo các hợp đồng đã ký cũng như đảm bảo an ninh lương thực.

Các doanh nghiệp hiện còn tồn ở các cảng hơn 12.700 tấn nên trước mắt cần cần giải quyết nhanh hàng tồn tại cảng, sau đó là hàng tồn tại kho doanh nghiệp. Cuối cùng đề xuất bỏ hạn ngạch xuất khẩu, Sở Công Thương Đồng Tháp nêu.

Ông Nguyễn Ngọc Nam – Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, Hiệp hội đã đề nghị cho xuất thêm 200.000 tấn nữa, ngoài 400.000 tấn theo đề xuất của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, Chính phủ chỉ cho ứng trước 100.000 tấn của tháng 5. Doanh nghiệp tán đồng việc này nhưng thực tế đến giờ vẫn còn ách tắc trong việc thông quan.

Tính riêng lượng gạo còn tồn của các doanh nghiệp là thành viên VFA đến nay còn tồn kho 1,95 triệu tấn. “Với tình hình tháng 5, Hiệp hội đề xuất tiếp tục cho xuất khẩu trở lại bình thường”, ông Nam nói.

Tiếp theo ý kiến này, ông Đỗ Hà Nam –Chủ tịch Công ty Intermex; ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An; ông Trần Ngọc Trung – Tổng Giám đốc công ty CP đầu tư Vinh Phát... cũng chung quan điểm đề xuất cho xuất khẩu lại bình thường, không cần hạn ngạch.

Các tỉnh, DN đồng loạt kiến nghị cho xuất khẩu gạo không hạn ngạch

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đánh giá các đại diện chưa nêu rõ lý do cho đề xuất được xuất khẩu gạo bình thường.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công Thương thành lập có nhiệm vụ tiếp tục làm việc với các địa phương, các doanh nghiệp để kịp thời báo cáo cho Thủ Tướng Chính phủ trước ngày 25/4 về việc tiếp tục giải quyết xuất khẩu gạo của tháng 4 và thời gian tới.

Tuy nhiên, tại cuộc họp, các đại diện chỉ mới nêu đề xuất cho xuất khẩu gạo bình thường nhưng chưa đưa ra lý do cụ thể đủ sức thuyết phục.

Ông Khánh gợi ý, trước đó, đã có nhiều lý do đưa ra nhằm hạn chế xuất khẩu thì bây giờ phải giải thích cụ thể những lý do đó còn đúng nữa không? Tâm lý người dân người dân cuối tháng 4 so cuối tháng 3 còn lo lắng, còn muốn dự trữ gạo nữa không? Thị trường thế giới biến động như thế nào?... Các bên liên quan cần phân tích lại để tổng hợp báo cáo Thủ tướng.

Nguyễn Vy
Theo Dân Việt