Thứ sáu, 22/11/2024 | 02:33
RSS

Các món ngon ngày Tết miền Bắc không thể thiếu

Thứ sáu, 26/01/2018, 10:01 (GMT+7)

Các món ngon ngày Tết miền Bắc rất đa dạng trong đó, phải kể đến các món như dưa hành, thịt đông,..

Sự kiện:

Bánh chưng

Các món ngon ngày Tết miền Bắc không thể thiếu cặp bánh chưng xanh. Ngày nay, khi xã hội phát triển hiếm có hay rất khó tìm gia đình nào gói bánh chưng ngày Tết nhưng bánh chưng mua về cũng phải là loại ngon nhất. Gạo nếp phải chọn dẻo thơm nhất để lâu không bị lại gạo.

Nhân bánh thường có thịt, đậu, hành khô, hạt tiêu. Bánh phải gói chặt tay, sau khi luộc suốt 14 tiếng vớt ra rửa qua nước lã rồi dùng một tấm ván cùng những vật nặng ép chặt bánh. Như vậy khi cắt bánh ăn không nát lại dẻo, cắn vào miệng bánh thơm lại bùi.

Các món ngon ngày Tết miền Bắc
Mâm cỗ ngày Tết miền Bắc. Ảnh: Internet

Dưa hành

Dưa hành thường được sử dụng như một món ăn kèm với bánh chưng hoặc với các loại thịt nhiều mỡ (thịt đông, thịt kho Tàu, thịt luộc) cho đỡ ngán trong những ngày Tết Nguyên đán 2018. Vị chua dịu, cay nhẹ của dưa hành vừa giúp gia tăng hương vị vừa giúp cơ thể dễ tiêu hóa thức ăn.

Trước hết, bạn cần lựa loại hành già, củ chắc, cắt bỏ phần đuôi chỉ chừa lại phần rễ. Sau đó, ngâm hành vào trong nước tro có pha hàn the trong khoảng thời gian 2 ngày 2 đêm.

Tiếp theo, vớt hành ra, cắt bỏ rễ, lột vỏ chỉ còn lại khoảng 5cm rồi xếp hành vào khạp, rải muối, bỏ một lớp mía chẻ mỏng, rồi đến lớp hành gài lại bằng những vỉ tre. Sau 2 tuần, bạn có thể lấy hành ra cho vào keo thủy tinh, rồi nấu nước dấm đường để nguội cho vào. Khoảng 3 ngày là ăn được.

Giò nạc, giò thủ

Đối với người Việt Nam trong mâm cỗ ngày Tết từ xưa đến nay, đĩa giò, đĩa chả luôn giữ vị trí mỹ vị và đã trở thành món ăn không thể thiếu.

Các món ngon ngày Tết miền Bắc
Giò thủ. Ảnh: Internet

Giò là thịt giã trong cối đá cho thật nhuyễn, gói lá chuối thành hình ống, buộc lạt giang, rồi mang luộc, nhưng hấp thì giò ngon hơn. Giò thái theo khoanh, trắng mịn, bày lên đĩa, phải sắt giò cho gọn, trông đẹp mắt và dễ gắp. Khoanh giò trắng mịn, có vài lỗ nhỏ bằng hạt gạo do nước thoát ra thành bọt khi hấp, đó là giò lụa, làm bằng thịt heo (người Bắc gọi là thịt lợn). Nếu dùng thịt bò thì chỉ còn tên là giò bò.

Giò dùng thịt đầu heo thì gọi là giò thủ. Làm Giò thủ, tai heo, thịt thủ, không giã mà thái nhỏ, trộn thêm mộc nhĩ (nấm mèo), nước mắm, hạt tiêu rồi xào chín (xào là chiên trong chảo, giữ lửa cho đều và đảo luôn tay). Xong, gói bằng lá chuối tươi, buộc lạt cho chặt rồi luộc hoặc hấp cách thủy. Khi giò chín, vớt ra rồi ép, dùng 4 thanh tre cặp quanh khoanh giò, cột cho chặt, treo trên bếp. Khi ăn cũng thái như giò lụa.

Thịt đông

Thịt đông là món riêng có của mùa đông xuân Bắc bộ. Trong làn không khí lạnh, thịt đông trở nên ngon hơn. Món này được làm từ thịt heo ba chỉ, đôi khi được sử dụng cả gà, cộng thêm một mảng bì lợn.

Tất cả đều được ninh nhừ. Sau khi nấu xong, bạn lấy khỏi bếp và đặt nồi thịt ra ngoài sân, đậy kỹ cho nó ăn gió uống sương, thu lấy cái rét mướt từ trời cao và đất thấp vào mình để sớm hôm sau, nhà ta đã có nồi thịt đông kỳ diệu.

Trên mặt của nồi thịt đông là lớp ván mỡ có màu trắng như tuyết pha sắc vàng mịn như mặt hồ không gợn sóng. Một miếng thịt đông kèm một củ dưa hành, thì thật đúng nghĩa Tết bắc.

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN