Thứ bảy, 20/04/2024 | 10:39
RSS

Ca sĩ Hà Linh: Khác biệt hoặc là chết!

Thứ hai, 11/11/2019, 10:29 (GMT+7)

Hà Linh cho biết, cô không phải là cái gì quá ghê gớm nhưng có 1,2 người dám đi theo tiếng gọi của nghệ thuật so với thị trường thì tốt hơn cho nền âm nhạc.


Ca sĩ Hà Linh ra mắt một sản phẩm nghệ thuật tiên phong tại Việt Nam

Mới đây, ca sĩ Hà Linh vừa trở lại với album The Muse - Nàng thơ, được làm dưới hình thức Poetry Jazz, chưa ai ở Việt Nam từng làm. Album là sản phẩm kết hợp của âm nhạc, thơ, hội họa. Đặc biệt, ca sĩ duy nhất là Hà Linh sẽ không hát mà đọc thơ Phan Hà Lê trên nền nhạc Jazz của chồng cô là nghệ sĩ Nguyễn Bảo Long sáng tác. Cùng PV trò chuyện với Hà Linh để hiểu hơn về sự trở lại của cô và tìm hiểu về sản phẩm nghệ thuật tiên phong tại Việt Nam.

Nếu mình không làm thì mãi mãi không có những sản phẩm nghệ thuật

- Trong khi các ca sĩ và các sản phẩm âm nhạc ra mắt mỗi ngày, thì thời gian qua Hà Linh lại im ắng. Chị không sợ bị khán giả lãng quên hay sao?

Sau khi kết hôn và trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, gia đình có người bị bệnh, tôi đã không còn quan tâm nhiều đến chuyện mình có được lên báo hay không nữa. Thế là từ dạo đó tôi học cách “mất tăm”.

- Khi trở lại chị thấy thị trường âm nhạc thay đổi nhiều không?

Tôi thấy thị trường thay đổi rất là nhiều, thay đổi từng ngày từng giờ, nếu mình không nắm bắt được nó mình sẽ bị đẩy ra ngoài. Nhưng nếu mình nắm bắt nó quá thì sẽ bị cuốn vào vòng xoáy của thị trường. Vì thế tôi muốn làm một điều gì đó khác biệt. Tôi ra một album không có hát mà là thơ. Đây là một thể loại âm nhạc Poetry jazz. Sản phẩm kết hợp của âm nhạc, thơ, hội họa.

-Nhưng hiện tại các nghệ sĩ luôn nghĩ đến tạo hit, với album The Muse - Nàng Thơ mình Hà Linh chọn một lối đi như này chị có thấy mình khác biệt?

Tôi cảm thấy với một thị trường âm nhạc, tất cả các nghệ sĩ đều chạy theo thị hiếu khán giả, khi mà số đông khán giả là những bạn trẻ thì tương tác truyền thông rất nhiều. Khi mình trẻ sự sâu sắc chưa có, nếu nghệ sĩ mà chiều khán giả quá nhiều thì dần dần thì level của cả thị trường âm nhạc sĩ bị đi xuống chứ chỉ không riêng người nghệ sĩ đó. Tôi không phải là cái gì quá ghê gớm nhưng có 1,2 người dám đi theo tiếng gọi của nghệ thuật so với thị trường thì tốt hơn cho nền âm nhạc.

Thật ra, mỗi người là một cá thể dị biệt. Để hòa lẫn vào số đông tôi nghĩ cũng không ổn lắm với người nghệ sĩ bởi mình phải khác người đi. Khác biệt hoặc là chết.

- Nhưng làm nghệ thuật chân chính thường hay nghèo hơn so với các ca sĩ thị trường?

Thật đúng là như vậy! Ra một đĩa rất tốn kém, ra xong rồi để bán được còn khó hơn. Mình không thể cạnh tranh được với các ca sĩ thị trường được, nhưng nếu mình không làm thì mãi mãi không có những sản phẩm nghệ thuật.

Với Nàng thơ, tôi có sự chín muồi trong cái cũ, có bệ đỡ là nhạc sĩ - nhà sản xuất âm nhạc Nguyễn Bảo Long, cùng đó là band Jumpforjazz. Tôi được tiếp cận, được truyền cảm hứng từ chính người thầy, cũng chính là chồng tôi cùng ban nhạc của anh. Anh như nước lớn và đẩy con thuyền là tôi ra xa đến Đại Dương.

Tôi biết mình cần phải làm gì với jazz, thứ âm nhạc huyền diệu mà chúng tôi đã theo đuổi. The Muse - Nàng Thơ là một bước nhỏ để thử nghiệm thị trường hẹp tại Việt Nam. Tôi tin, vào những bước đi đầu tiên của mình với jazz.

- Vậy dự án Nàng thơ này chị đầu tư bao nhiêu?

Hơn một chiếc Kia Morning (cười).

- Chị bỏ tiền túi của mình ra hay có nhà tài trợ?

Tôi và chị Phan Hà Lê mỗi người đầu tư một nửa.

- 500 album phát hành đợt đầu đều đã được đặt hàng. Chị có bất ngờ không?

Tôi cảm thấy rất là bất ngờ, vì  không thể tin nổi tại sao mọi người lại mong chờ sản phẩm này như vậy.

- Với sản phẩm này chị mong khán giả đối tượng trẻ đón nhận hay là các đối tượng lớn tuổi?

Làm ra sản phẩm bản thân tôi mong muốn tất cả mọi người đều đón nhận.Thế hệ trẻ bây giờ thường các bạn không đọc thơ nhiều. Nhưng nếu thơ có cách tiếp cận khác dễ như này thì các bạn sẽ thích. 

Có con tôi không còn sống bản năng như ngày trước!

- Hà Linh của ngày xưa và Hà Linh bây giờ bà mẹ một con khác nhiều không?

Khác nhiều lắm. Nhất là lên cân (cười)

- Chị còn bản năng như ngày trước?

Chắc chắn là không. Lúc trước tôi nghĩ cuộc sống là một chuỗi rong chơi, mình không quan tâm đến kết quả ngày mai ra sao. Hôm nay mình có thể làm loạn lên, khiến mọi người xôn xao, nhưng bây giờ có con rồi tôi không muốn còn lưu lại bất kỳ dòng nào trên truyền thông, sợ con mình sau này sẽ đọc được.

Tôi muốn con được tự hào về mẹ nên tôi nghĩ, việc thay đổi về cả âm nhạc và hình ảnh giao diện là điều rất cần thiết. Chồng tôi là người nghiên cứu và làm nhạc jazz chuyên sâu nhiều chục năm nay nên chẳng tội gì tôi phải tìm cảm hứng và loại hình âm nhạc ở đâu xa cả. Tôi vẫn sẽ ‘núp bóng’ ông xã của mình thôi".

- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

Mới đây, Hà Linh là ca sĩ nữ duy nhất được tham dự Festival Âm nhạc Châu Á tại Trung Quốc với vai trò vocalist. Festival này có hơn 300 nghệ sĩ từ 23 dàn nhạc giao hưởng trong số 24 quốc gia trên toàn thế giới góp mặt, được tổ chức thường niên và rất quy mô. Tại Festival này, cô đã biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng Việt Nam tác phẩm hòa tấu “Âm & Dương” do Nhà sản xuất - nhạc sĩ Nguyễn Bảo Long chồng cô viết và hòa âm. Liên hoan cũng đánh dấu sự trở lại của cô sau hơn 1 năm vắng bóng. 
Phạm Lý
Theo Đời sống Plus/GĐVN