Theo báo Sức khoẻ & Đời sống, mới đây, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước; các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và Y tế các bộ, ngành về hướng dẫn quy trình “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng vaccine Covid-19.
Tại công văn này, Bộ Y tế đề nghị phải hoàn thành 'làm sạch' dữ liệu tiêm chủng vaccine Covid-19 trước ngày 1/6/2022. Bên cạnh đó, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thực hiện nghiêm hướng dẫn của Bộ Y tế về ký xác nhận hộ chiếu vaccine theo các văn bản số 1908/CNTT-BYT và 1975/CNTT-BYT.
Bộ Y tế cho biết, trên cơ sở thống nhất với Bộ Công an, Bộ Y tế đã xây dựng quy trình "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng Covid-19. Tổ công tác triển khai Đề án 06 của các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo việc triển khai "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng vaccine Covid-19 theo đúng quy trình.
Cụ thể, đầu tiên, tổ công tác triển khai Đề án 06 cấp xã/phường chỉ đạo Trạm Y tế lập danh sách đối tượng tiêm chủng Covid-19 thường trú trên địa bàn sai thông tin (bao gồm các trường hợp sau: không có số CCCD/CMND; sai định dạng số CCCD/CMND; sai thông tin cá nhân cơ bản như số CCCD/CMND, họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính).
Tiếp theo, tổ công tác triển khai Đề án 06 cấp xã/phường giao Tổ công tác triển khai Đề án 06 cấp thôn/ấp thực hiện rà soát, bổ sung, điều chỉnh thông tin. Sau đó danh sách được chuyển tới Công an xã/phường để thực hiện đối chiếu, xác thực, cập nhật, bổ sung thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Công an xã/phường ký và bàn giao danh sách cho Trạm Y tế để lưu trữ và cập nhật, bổ sung thông tin đối tượng trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19. Trạm Y tế thực hiện cập nhật lại thông tin cho các đối tượng trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19.
Đối với các trường hợp đối tượng không có số CCCD/CMND hoặc sai định dạng số CCCD/CMND, Hệ thống cho phép nhập danh sách (import) từ tệp định dạng Excel (Sử dụng chức năng Import đối tượng tiêm Covid-19). Đối với các trường hợp sai thông tin cá nhân cần chỉnh sửa trực tiếp trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19. Sau khi thực hiện cập nhật thông tin, cán bộ Trạm Y tế sử dụng chức năng lập danh sách xác minh thông tin để xem kết quả.
Cuối cùng, các cơ sở tiêm chủng hằng ngày phải thực hiện kiểm tra, ký xác nhận hộ chiếu vaccine. Các cơ sở tiêm chủng trực thuộc Bộ Y tế, thuộc y tế các bộ, ngành, các cơ sở tiêm chủng tuyến tỉnh, tuyến huyện thực hiện ký xác nhận hộ chiếu vaccine không phải thực hiện công tác xác minh, làm sạch dữ liệu tiêm chủng vaccine Covid-19.
Ảnh minh hoạ
Theo Cổng thông tin Bộ Y tế, ngày 26/4/2022 tại Hà Nội Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt việc “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng Covid-19 và hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ của Tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) với trên 11.000 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các quận, huyện, phường, xã trong cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết kết quả triển khai liên thông dữ liệu dân cư quốc gia và dữ liệu tiêm chủng hiện chưa đạt được như mong muốn. Cả nước hiện đã tiêm tiêm hơn 212 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho người dân theo hướng dẫn, song vẫn còn 7,6 triệu mũi tiêm chưa cập nhật lên hệ thống phần mềm, dù Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhiều lần thúc giục.
Trong số hơn 73,4 triệu người có căn cước công dân/chứng minh nhân dân còn 43.491.814 mũi tiêm đã xác minh nhưng còn sai thông tin gồm số định danh, ngày sinh, họ tên và thông tin khác. Với hơn 8,8 triệu người không có căn cước công dân/chứng minh nhân dân hoặc sai định dạng căn cước công dân/chứng minh nhân dân, 3.364.726 mũi tiêm không xác định được với cơ sở dữ liệu về quốc gia về dân cư.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, việc liên thông dữ liệu, xác thực thông tin không chỉ phục vụ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 mà còn có ý nghĩa quan trọng về sau này khi đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số với ngành Y tế (bệnh viện thông minh, bệnh án điện tử...). Điều này nhằm tạo mọi tiện ích cho người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị, các địa phương hết sức khẩn trương kiện toàn Tổ công tác 06 của Chính phủ theo đúng mô hình, hướng dẫn mà Trung ương đã ban hành. Các địa phương phải quán triệt nhiệm vụ của các Tổ công tác tại các cấp. Tổ công tác 06 là hình thức liên ngành nên đòi hỏi sự phối hợp rất chặt chẽ, trong đó cốt lõi là cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Các địa phương cũng phải có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho Tổ công tác.
Với Bộ Y tế, nhiệm vụ quan trọng là cập nhật thông tin tiêm chủng trên nền tảng Tiêm chủng Quốc gia để đồng bộ. Thực tế việc yêu cầu cập nhật thông tin trên hệ thống là phải làm trong ngày nhưng hiện vẫn có độ trễ, nhưng chỉ có thể trễ đến 2-3 ngày chứ không thể để kéo dài mãi.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, các điểm tiêm chủng được tổ chức tại các xã phường, các cấp này phải cập nhật được thì cấp Trung ương mới làm được. Các địa phương phải xác thực, chính xác hóa thông tin này; nếu chưa đồng bộ hóa với cơ sở dữ liệu dân cư, phải rà soát lại những thông tin nào chưa phù hợp, phải thay đổi thì phải cập nhật và chuyển cho trạm y tế xã để cập nhật lên hệ thống tiêm chủng…