Thứ năm, 25/04/2024 | 14:28
RSS

Bộ Y tế yêu cầu sát khuẩn máy đo nồng độ cồn và thay ống thổi để phòng lây nhiễm corona

Thứ tư, 05/02/2020, 14:45 (GMT+7)

Theo Bộ Y tế, việc kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở đối với người tham gia giao thông có nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường hô hấp của người dân.

Bộ Y tế yêu cầu sát khuẩn máy đo nồng độ cồn và thay ống thổi để phòng lây nhiễm corona
CSGT kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông Ảnh: Vnreview.

Bộ Y tế vừa có Văn bản 463-BYT/DP báo cáo Văn phòng Chính phủ về việc sử dụng phương tiện kiếm tra nồng độ cồn trong khí thở đối với người tham gia giao thông. Theo đó nhấn mạnh, tại những thời điểm có dịch bệnh như hiện nay, hoạt động kiếm tra nồng độ cồn trong khí thở phải được thực hiện nghiêm ngặt đúng quy trình, yêu cầu.

Theo Bộ Y tế, việc kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở đối với người tham gia giao thông có nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường hô hấp tương tự đối với các hoạt động, công việc giao tiếp thông thường khác của người dân.

Đến nay trên thế giới và tại Việt Nam chưa có bằng chứng cho thấy sự khác biệt về nguy cơ lây nhiễm của các loại hình giao tiếp nêu trên. Việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa như dùng riêng ống thổi cho từng người, sát khuẩn thiết bị đo, lực lượng làm nhiệm vụ tuân thủ đúng quy trình thao tác và người dân tuân thủ hướng dẫn của cánh sát giao thông thì sẽ giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.

Lực lượng Cảnh sát Giao thông (CSGT) khi thực hiện nhiệm vụ cần áp dụng các biện pháp bảo hộ cá nhân và tuân thủ theo các hướng dẫn, khuyến cáo của ngành y tế về phòng chống dịch bệnh để bảo đảm an toàn, giảm đến mức thấp nhất nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm nói chung và nCoV nói riêng cho bản thân và người dân.

Đồng thời theo diễn biến và các mức độ nguy cơ của dịch bệnh (ví dụ như khi công bố dịch, ban bố tình trạng khẩn cấp), Bộ Công an báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phương án thích hợp cho việc kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở đối với người tham gia giao thông để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh theo quy định của pháp luật

Bộ Y tế kiến nghị Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế để rà soát, cập nhật hoàn thiện hướng dẫn quy trình, thao tác khi thực hiện kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở, bảo đảm yêu cầu kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng chống dịch bệnh.

Trước đó, tại cuộc họp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) ngày 30/1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng kiến nghị Bộ Y tế kiểm tra và tuyên bố ngay việc sử dụng thiết bị kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông có làm tăng nguy cơ lây dịch hay không? Nếu có, Bộ Công an chỉ đạo dừng ngay việc này.

Bộ Y tế yêu cầu sát khuẩn máy đo nồng độ cồn và thay ống thổi để phòng lây nhiễm corona 2
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia.

Giải thích ý kiến lo ngại về việc lây nhiễm corona qua máy thổi nồng độ cồn, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia khẳng định theo ý kiến của Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam khó có việc lây nhiễm virus Corona qua máy kiểm tra nồng độ cồn

Ông Hùng cho biết máy đo nồng độ cồn đều có van 1 chiều, chỉ thổi vào máy được, không hít hơi ngược lại được và khi kiểm tra thì mỗi người được sử dụng riêng 1 ống thổi mới nguyên, được đóng gói kín trong túi.

Về việc phòng ngừa CSGT lây nhiễm virus corona khi làm nhiệm vụ, ông Hùng cho biết WHO kiến nghị trước ca tuần tra, CBCS nên khử trùng, vệ sinh máy, sử dụng găng tay, đeo khẩu trang khi thực hiện đo nồng độ cồn. Đề nghị khuyến cáo những người điều khiển phương tiện công cộng như lái xe buýt, lái xe khách, lái tàu, máy bay... cần đeo khẩu trang khi làm việc vì những người này có nguy cơ lây nhiễm cao.

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN