Chủ nhật, 19/01/2025 | 10:16
RSS

Bộ Y tế mong tòa tuyên bác sĩ Hoàng Công Lương vô tội

Thứ ba, 05/06/2018, 08:08 (GMT+7)

Theo dự kiến, chiều nay 5/6, TAND tỉnh Hòa Bình sẽ tuyên án bác sĩ Hoàng Công Lương. Trước đó chiều 4/6 Bộ Y tế đã tổ chức họp báo lên tiếng về vụ này.

Bộ Y tế mong tòa tuyên bác sĩ Hoàng Công Lương vô tội
Từ trái qua phải: Bị cáo Trần Văn Sơn, Hoàng Công Lương, Bùi Mạnh Quốc. Ảnh Dân trí

Sau 12 ngày xét xử sơ thẩm công khai, vào lúc 14h chiều nay (5/6), TAND TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) sẽ tuyên án vụ chạy thận làm chết 9 người ở Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình ngày 29/5/2017.

Chiều 4/6, một ngày trước khi Tòa án nhân dân TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) tuyên án vụ xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương và 2 bị cáo khác trong vụ tai biến y khoa chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình, Bộ Y tế đã tổ chức gặp gỡ báo chí để cung cấp một số thông tin liên quan.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Y tế tái khẳng định vụ việc xảy ra hơn một năm trước là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng, chưa từng xảy ra trong lịch sử ngành lọc thận ở Việt Nam theo Tri thức trực tuyến. 

Vụ trưởng cho hay, ngay sau sự cố, Bộ Y tế đã cử nhiều cán bộ đến hiện trường để hỗ trợ về mọi mặt. Ngoài ra, đơn vị cũng cử đại diện làm việc với cơ quan điều tra, Sở Y tế nhằm đưa ra những kiến nghị kịp thời.

Ông Quang cho biết Bộ Y tế tôn trọng cơ quan công tố, không can thiệp quá trình điều tra, xét xử nhưng Bộ cũng mong cơ quan chức năng xem xét, đánh giá trách nhiệm hình sự trên cơ sở đúng người đúng tội, không để oan sai. "Nếu có thể, mong tòa tuyên bác sĩ Lương vô tội", Vụ trưởng Vụ pháp chế nói.

Về diễn biến vụ việc, ngày 20/4/2017, bác sĩ Hoàng Công Lương thừa lệnh trưởng khoa đã ký vào phiếu đề xuất sửa chữa, thay thế, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 của máy chạy thận nhân tạo tại Đơn nguyên thận nhân tạo (Khoa Hồi sức tích cực – BVĐK tỉnh Hòa Bình), theo báo Dân trí. 

Cơ quan tố tụng cho rằng, bác sĩ Lương có nhiệm vụ quản lý tại Đơn nguyên thận nhân tạo mới được thực hiện ký vào phiếu đề xuất này. Tuy nhiên, tại tòa, Hoàng Công Lương khẳng định mình không có vai trò quản lý, việc ký đó chỉ xác định tình trạng máy móc bị hỏng chứ không chịu trách nhiệm về chất lượng của máy móc.

Ngày 25/5/2017, BVĐK tỉnh Hòa Bình đã ký hợp đồng số 315 với Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn (do ông Đỗ Anh Tuấn làm giám đốc) để thực hiện sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2. Sau đó, Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn đã “bán cái” cho Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh (lúc đó do Bùi Mạnh Quốc làm giám đốc) thực hiện.

Đến ngày 28/5/2017, Bùi Mạnh Quốc đến BVĐK tỉnh Hòa Bình sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2. Khoảng 18h30 cùng ngày, Quốc hoàn thành công việc sửa chữa và báo lại cho Trần Văn Sơn (lúc đó là nhân viên Phòng Vật tư-Trang thiết bị y tế BVĐK tỉnh Hòa Bình). Sau đó, Trần Văn Sơn báo lại cho điều dưỡng của Đơn nguyên thận nhân tạo - Khoa Hồi sức tích cực.

Sáng 29/5/2017, điều dưỡng báo cho nhiều y, bác sĩ ở Đơn nguyên thận nhân tạo về việc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO số 2 đã xong và có thể hoạt động. Sau đó, điều dưỡng khởi động lại máy chạy thận, kiểm tra các chỉ số đều ở ngưỡng an toàn. 

Sau khi kiểm tra các chỉ số sinh tồn cho các bệnh nhân, đủ điều kiện chạy thận, bác sĩ Hoàng Công Lương và 2 bác sĩ khác đã ra y lệnh chạy thận cho 18 bệnh nhân. Sau khoảng thời gian ngắn, các bệnh nhân có dấu hiệu khác lạ, lần lượt 8 bệnh nhân tử vong. 

Nguyên nhân được xác định tồn dư hóa chất độc hại trong nguồn nước dùng cho lọc máu (do Bùi Mạnh Quốc khi sửa chữa đã sục rửa cẩu thả dẫn đến lượng hóa chất vẫn còn tồn dư trong đường ống của hệ thống lọc nước RO số 2). Ngày 10/2/2018, nạn nhân thứ 9 tử vong.


Xem thêm: 
Xét xử vụ 9 người tử vong khi chạy thận: Lộ nhiều tình tiết quan trọng

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN