Mới đây, Bộ Y tế đã trình lên Chính phủ dự thảo Luật Dân số được xây dựng trên tinh thần ý kiến đóng góp của nhân dân. Một trong nhữngđề xuất được dư luận đặc biệt quan tâm trong dự thảo Luật Dân số là việc đề nghị cho cá nhân và các cặp vợ chồng có quyền quyết định số con.
Mức sinh con đã giảm
Theo đó, Bộ Y tế đề xuất hai phương án trong dự thảo gửi Chính phủ về dự án Luật Dân số. Phương án 1 là trao quyền tự quyết định số con, khoảnh cách giữa các lần sinh và số con một cách có trách nhiệm cho các đôi vợ chồng hoặc cá nhân. Đồng thời, các đôi vợ chồng ở khu vực có mức sinh thấp được Nhà nước khuyến khích sinh đủ 2 con.
Trong khi đó, phương hai 2 sẽ giữ nguyên quy định như hiện nay, nghĩa là chỉ được sinh 1 – 2 con, trừ một số trường hợp đặc biệt đã được nêu rõ trong luật, báo Người Lao Động đưa tin.
Bộ Y tế cho biết, phương án trao quyền quyết định số con cho các cặp vợ chồng là nhằm tôn trọng và bảo đảm quyền con người. Điều này cũng phù hợp với các điều ước quốc tế liên quan tới công tác dân số mà nước ta là thành viên.
Đồng thời, đề xuất này cũng rất phù hợp với thực tế hiện nay, khi Việt Nam đã đạt được thành công trong việc duy trì mức sinh thay thế trong suốt 10 năm qua. Cụ thể, tính từ năm 2016 đến nay, tổng tỷ suất sinh tại Việt Nam luôn thấp hơn mức sinh thay thế, nghĩa là trung bình dưới 2,1/người mẹ.
Không bỏ kế hoạch hóa gia đình
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Quang -Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, đề xuất trao quyền quyết định số con cho cá nhân và các cặp vợ chồng không có nghĩa là từ bỏ kế hoạch hóa gia đình. Các địa phương vẫn cần có chính sách để điều tiết mức sinh sao cho hợp lý và duy trì được mức sinh thay thế cho phù hợp từng giai đoạn, đặc điểm dân số từng vùng.
Theo đó, các địa phương có mức sinh cao cần vận động giảm sinh; các vùng đạt mức sinh thay thế cần duy trì kết quả đã được; các tỉnh, thành có mức sinh thấp nên khuyến khích mỗi gia đình sinh đủ 2 con.
Về vấn đề này, báo Thanh Niên trích lời bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, kế hoạch phát triển ở Việt Nam vừa qua ít chú trọng đến xu hướng biến đổi dân số.
Do đó, cần chuyển trọng tâm chính sách dân số từ việc kế hoạch hóa gia đình sang triển khai chính sách dân số và phát triển, chuyển trọng tâm chứ không phải là đề xuất trao cho vợ chồng quyền quyết định số con thì từ bỏ hẳn kế hoạch hóa gia đình.