Từ sơ mi trắng, quần âu, mang giày cỏ đi trên phố, anh trở về với áo nâu chân đất nhưng đó là điều mà anh Huy hài lòng. “Tôi đã đủ trưởng thành để hiểu và đủ kinh nghiệm để biết được thành công bằng đam mê là gì. Dù không dễ dàng gì, nhưng với tôi như thế là thành công rồi” cựu salesman kể lại.
Cuộc sống thay đổi hoàn toàn khi Huy từ bỏ thành phố để về nông thôn khởi nghiệp
Hiện tại anh Huy đang quản lý cả một đội bay với gần 10 nhân viên và sở hữu đến 6 chiếc máy bay mới nhất từ DJI. Bình quân mỗi tháng đội phun của anh thu về 500 - 600 triệu đồng, trừ chi phí nhân công, nhà xưởng, bảo dưỡng và khấu hao máy móc, lợi nhuận còn lại của cửa hàng tầm 70 - 100 triệu đồng. Đến mùa cao điểm, anh phải làm việc cả ban đêm để phục vụ nhu cầu của bà con. Không chỉ hoạt động trong khu vực tỉnh Bình Thuận nơi anh sống. Anh còn có cả xe chuyên dụng chở máy bay rong ruổi khắp các vùng lân cận cho bà con nông dân.
Vì từng có kinh nghiệm chăm sóc khách hàng, anh Huy nắm rõ tâm lý của nhà nông để hỗ trợ bà con vượt qua được nghi ngờ về máy bay. “Bà con nhiều người họ không muốn và cũng không có khả năng để sắm sửa một chiếc máy bay để làm nông. Nên khi tôi giới thiệu dịch vụ này họ cũng muốn thử để biết. Khi hiệu quả đã rõ trên cây trồng, họ hợp tác và ký hợp đồng với tôi luôn” - anh Huy kể. Theo anh, để có thể đứng vững trên thương trường, dù là ngành nghề nào, điều cần thiết là xây dựng được lòng tin với khách hàng. Đó là nền móng để anh và cả khách hàng đồng hành cùng nhau trên con đường xa hơn.
Đội phun của anh Huy mang máy bay đi phun thuốc cho bà con nông dân
Anh Huy sở hữu kinh nghiệm và những thành tựu đáng nể trong sự nghiệp làm sale của mình. Ở độ tuổi đầu ba, bạn bè anh đang chật vật với cơm áo gạo tiền, với gia đình, sự nghiệp, anh đã có đủ cho mình tất cả. Nhưng anh lại đưa ra quyết định táo bạo để tiếp tục với một lối đi mới mà giờ đây ngẫm lại anh chẳng ngại ngùng để chia sẻ.
Thời điểm đó là vào khoảng giữa năm 2018, thị trường máy bay nông nghiệp đang cực kỳ sôi động. Lúc này các ông lớn của các hãng drone xuất hiện dày đặc tại Việt Nam Đây là một loại thiết bị bay không người lái chuyên dụng dành cho nông nghiệp, giúp thay thế sức lao động của con người bằng cách phun thuốc, rải phân, gieo sạ. Thế nhưng nông dân vẫn còn lạ lẫm và chưa dám tiếp cận đến loại thiết bị này. Dù quan sát thấy cơ hội mười mươi, người đàn ông bán xe vẫn đứng ngoài, chưa có suy nghĩ đầu tư hay rẽ hướng sang nghề mới.
Nông dân rất hứng thú với máy bay không người lái nông nghiệp
Kể lại hành trình đến với nghề phi công nông nghiệp, anh Huy bày tỏ: “ Lúc ấy, bà con còn bỡ ngỡ một thì tôi bỡ ngỡ mười, vì tôi chưa từng làm nông. Tôi thích máy bay không người lái nông nghiệp là vì tôi đứng trên hệ quy chiếu của một người từng học kỹ thuật. Tôi thấy cái hay của nó chứ để nói làm nông, tôi chẳng dám bì với ai”.
Và rồi trong một lần công ty máy bay tổ chức phun trình diễn tại Bình Thuận, anh Huy đăng ký tham gia ngay. Anh được nghe lý thuyết, được cầm điều khiển thực hành, cảm giác hạnh phúc dâng trào. Sau đó một thời gian, công ty này mở khóa đào tạo drone cho người mới, anh cũng rảnh nên đi học ngay. Vừa học về kỹ thuật, anh còn học thêm về thị trường, về nông nghiệp, khỏi phải nói, vì có sẵn “lửa” trong việc học này, anh nhanh chóng “ra trường” và nhận được lời mời ở lại làm tại công ty. Nhưng vì ước mơ dang dở, anh quyết định về quê làm riêng.
Ban đầu là một chiếc máy bay, anh cùng em trai vợ là hai chàng phi công nông nghiệp, đi khắp nơi tiếp thị, phun thuốc. Rồi tiếng lành đồn xa, quy mô của đội phun cũng tăng dần đều theo năm tháng.
Sau này, khi có cơ hội được tham gia sự kiện nông nghiệp nào anh cũng tham gia để có cơ hội mở rộng mối quan hệ trong ngành. Dù xuất phát điểm của anh muộn màng hơn người khác nhưng anh không có giới hạn, bởi cả đam mê, sự nhiệt huyết và cả liều lĩnh là điều anh luôn thừa.