Thứ hai, 11/11/2024 | 01:59
RSS

Bố mẹ có con vào lớp 1 nên tránh những điều nhầm lẫn này khi dạy con

Thứ ba, 13/08/2019, 09:51 (GMT+7)

Với những bậc cha mẹ có con vào lớp 1 chắc chắn sẽ không tránh khỏi tâm trạng lo lắng, băn khoăn khi con bước vào môi trường mới. Tuy nhiên, trong quá trình dạy con, bố mẹ nên tránh những điều nhầm lẫn này khi dạy con nhé!

Bố mẹ có con vào lớp 1 nên tránh những điều nhầm lẫn này khi dạy con
Bố mẹ có con vào lớp 1 nên tránh những điều nhầm lẫn này khi dạy con. Ảnh minh họa

Chị Phan Hồ Điệp, mẹ của bé Nhật Nam - giảng viên khoa giáo dục đặc biệt (Đại học Sư phạm Hà Nội) mới đây đã đăng tải một bài viết trên trang cá nhân, chia sẻ về những điều nhầm lẫn của bố mẹ khi có con vào lớp 1 đã thu hút được sự chú ý của cư dân mạng.

Sau khi đăng tải, bài viết trên nhận được 3.300 lượt thích, gần 600 bình luận và 1.800 lượt chia sẻ. Từ bài viết này, nhiều người đã rút ra được những bài học kinh nghiệm cho mình trong việc dạy con cái.

1. Đọc bảng chữ cái theo tên chữ mà không phải theo tên âm

Ví dụ bạn dạy con đọc là a, bê, xê, dê, đê…

Sửa lại: Đọc là: a, bờ, cờ, dờ… Với những trường hợp c, k, q thì đọc là cờ, ka, cu. Nhưng riêng q vì kết hợp chặt với u nên thường dạy chung thành một tổ hợp qu, đọc là "quờ". G (gờ) và I tạo thành tổ hợp gi (giờ).

2. Đánh vần theo kiểu cũ, ví dụ tiếng "thành" đánh vần là t-h a- nờ- anh huyền thành.

Sửa lại: a- nh- anh- thờ- anh- thanh- huyền- thành (đánh vần phần vần trước sau đó ghép với âm đầu, thanh rồi tạo thành tiếng).

3. Lẫn lộn khái niệm CHỮ khác với CHỮ CÁI

Ví dụ chữ "thơ" có ba chữ cái là t, h, ơ và 2 âm là âm th và âm ơ. Như vậy, ÂM có thể do 1 chữ cái hoặc có âm có 2, 3 chữ cái, ví dụ âm th, tr, gi, nh, ngh…

Khi một chữ được đọc lên thì gọi là TIẾNG. Nên khi chỉ vào chữ thì có thể nói: Đây là chữ "thành". Còn khi đọc thì nói: Mẹ đọc tiếng "thành".

Bố mẹ có con vào lớp 1 nên tránh những điều nhầm lẫn này khi dạy con
Bố mẹ không nên cho con dùng bút mực ngay khi mới tập tô. Ảnh minh họa

4. Đọc sai tên nét

Luyện cho bé tập tô các nét cũng được (nếu các bé thích), nhưng các bố mẹ cũng cố gắng đọc đúng tên nét: Nét hất, nét móc ngược, nét móc xuôi, nét xổ thẳng, nét cong kín, nét cong hở… Có thể bạn chưa cần dạy bé tên các nét này nhưng mỗi khi con tô, bạn nhắc: Con tô cho mẹ nét móc chẳng hạn thì cũng giúp bé dễ làm quen khi vào lớp 1.

5. Cho con tập tô chữ giữa chừng

Nếu đã thực sự tô chữ thì chỉ tô ít (đừng tham tô nhiều vì sẽ làm bé chán việc học). Nhưng khi đã tô một chữ thì nhất định phải hướng dẫn bé liền tay, đừng tô rồi dừng lại giữa một con chữ sẽ tạo thành thói quen xấu, cô giáo sẽ rất khó sửa.

6. Cho con dùng bút mực ngay khi mới tập tô

Đừng cho con dùng bút mực ngay khi mới tập tô, tập viết: Vào lớp 1, đến hết học kì I cô giáo mới cho dùng bút mực nên bố mẹ hãy giữ cho con cảm xúc vì được dùng một một dụng cụ viết "rất đặc biệt", ban đầu cứ để con dùng bút chì thôi.

7. Cho con tập tô trên vở không dòng kẻ

Đừng cho con tập tô, tập viết trên các cuốn vở không có dòng kẻ hoặc không phải dòng kẻ có 5 li. Vào lớp 1, các con sẽ viết trên vở có dòng kẻ 5 li, các con sẽ học khái niệm về đường kẻ ngang trên, ngang dưới… vì thế nếu dùng không thống nhất sẽ làm các bé bối rối.

8. Đọc cong lưỡi âm tr, s, r...

Khi đọc cho con, các bạn không cần cố gắng đọc cong lưỡi ở những chữ có phụ âm đầu là gi, tr, s, r trừ trường hợp các bạn ở vùng phương ngữ vốn đã phát âm như vậy. Việc cố gắng cong lưỡi sẽ làm bé cảm thấy khó đọc khi đọc thành tiếng, đọc thiếu tự nhiên. Nên bạn cứ đọc bình thường (như cách đọc của phát thanh viên người Hà Nội).

Có thể những điều dễ nhầm lẫn trên sẽ khiến các bố mẹ cảm thấy: "Chà, mệt thật đấy", nhưng chị Phan Hồ Điệp cũng nhắn nhủ rằng: "Các bạn đừng lo, những điều này sẽ được các bé học tự nhiên trong suốt cả năm lớp 1. Và mục đích cuối cùng của giáo dục không phải để khiến cho các phụ huynh có khả năng sư phạm như một giáo viên.

Sẽ chỉ khó tha thứ nếu bạn mắc lỗi này, đó là: Ép uổng con, bắt con phải học cho bằng bạn bằng bè, làm cho con vừa học vừa mếu máo sợ hãi.

Nhưng bạn cũng nhớ: Bỏ mặc con hoặc tặc lưỡi: lớp 1 dễ ợt đấy mà, học kiểu gì chả được… cũng là lỗi đó. Dù sao thì: Lớp 1 ơi, đừng sợ!".

T.N (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN

CÙNG CHUYÊN MỤC

Từ việc Bệnh viện Đa khoa Lai Châu tiếp nhận 20 trẻ nhập viện nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột, TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã lên tiếng cảnh báo về loại hoá chất này.