Theo nguồn tin trên báo SGGP Online, ngày 21/12, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh vừa ký văn bản gửi các địa phương về việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 khi tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non.
Công văn nêu rõ, trong thời gian qua, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trẻ em mầm non ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước tạm dừng đến trường, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, thể chất và sự phát triển toàn diện của trẻ em; cha mẹ trẻ em không thể tham gia lao động, sản xuất vì phải dành thời gian chăm sóc trẻ em tại nhà, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể.
Nhằm tạo điều kiện cho trẻ em được đến trường an toàn, Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện một số nội dung. Cụ thể, căn cứ hướng dẫn tại công văn số 4726/BGDĐT-GDTC ngày 15/10/2021 của Bộ GD&ĐT về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục và các văn bản hướng dẫn của ngành Y tế, các cơ sở giáo dục mầm non đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 theo nguyên tắc khu vực nào kiểm soát được dịch Covid-19 chủ động báo cáo cấp quản lý giáo dục để trẻ em trở lại trường học.
Các cơ sở Giáo dục mầm non điều chỉnh kế hoạch thực hiện Chương trình Giáo dục mầm nontheo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu chương trình Giáo dục mầm non trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19. Thực hiện điều chỉnh kế hoạch, phương án tổ chức các hoạt động ăn, ngủ, vệ sinh, chơi và học theo chế độ sinh hoạt cho trẻ em, phù hợp với diễn biến của dịch Covid-19 tại địa phương, an toàn về phòng, chống dịch theo quy định.
Ảnh minh họa
Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, hỗ trợ, xử lý kịp thời, bảo đảm các cơ sở giáo dục mầm non an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến kéo dài và phức tạp. Phối hợp với y tế địa phương xây dựng phương án phòng, chống dịch Covid-19, xử lý khi có trẻ em, cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ của trẻ em là F0 bảo đảm theo quy định.
Phối hợp với cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, y tế, chính quyền địa phương trong việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm an toàn khi đón trẻ quay trở lại trường và truyền thông về sự cần thiết, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc đưa trẻ em đến trường để được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, phát triển toàn diện theo luật định và bảo đảm Quyền trẻ em;
Phối hợp chặt chẽ với gia đình trẻ em, y tế địa phương nắm bắt, có phương án xử lý kịp thời khi có tình huống diễn biến phức tạp của dịch Covid-19-19, đặc biệt trong trường hợp trẻ em có biểu hiện mắc Covid-19. Trước khi đưa trẻ em trở lại cơ sở giáo dục mầm non, gia đình phải cam kết với nhà trường về việc thực hiện nghiêm túc các quy định trong phòng, chống dịch Covid-19 vì sự an toàn của trẻ em.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng ban hành hướng dẫn bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 khi tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cơ sở Giáo dục mầm non. Trong đó có yêu cầu không đón, nhận trẻ em có biểu hiện sốt, ho…; cha mẹ/người đang trong thời gian cách ly tại nhà hoặc có biểu hiện sốt, ho, khó thở hoặc trong gia đình trẻ có thành viên là F0 thì không được đưa, đón trẻ em đến trường;
Chỉ những cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định mới được tổ chức động hoạt động ăn, ngủ cho trẻ em; không tổ chức cho trẻ em ăn tập trung tại nhà bếp hoặc nhà ă mà tổ chức ăn theo nhóm/lớp, hoặc theo suất ăn riêng tùy theo tình hình Covid-19; có đồ dùng cá nhân riêng cho từng trẻ em khi ngủ. Bảo đảm giãn cách giữa các trẻ em khi ngủ trên cơ sở khoa học và phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của trường, nhóm, lớp…
Thông tin trên VNExpress được biết, hiện nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, TP HCM vẫn chưa cho trẻ mầm non trở lại trường sau hơn 7 tháng. Đây là nhóm tuổi chịu nhiều thiệt thòi bởi khó tổ chức học online, hầu hết chỉ tiếp nhận một số hoạt động thông qua các video do giáo viên gửi.
Việc ban hành hướng dẫn đảm bảo an toàn thể hiện rõ chủ trương đưa trẻ mầm non tới trường của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, quyết định về thời điểm trở lại sẽ phụ thuộc vào chính quyền địa phương.
Chẳng hạn, TP HCM từng dự kiến mở cửa trường mầm non từ 20/12 tại địa phương có dịch cấp độ 1 và 2 theo hướng dẫn của Bộ nhưng sau đó đã phải hoãn. Còn Hà Nội, dù chỉ có hai quận vùng cam, thành phố vẫn chưa cho trẻ nhỏ tuổi đi học do lo ngại dịch bệnh diễn biến phức tạp.