Chủ nhật, 19/01/2025 | 07:18
RSS

Bộ Công Thương nói gì về 12 dự án nghìn tỷ “đắp chiếu”?

Thứ bảy, 15/07/2017, 07:19 (GMT+7)

Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, đến thời điểm này một số dự án ban đầu đã có chuyển biến tốt, đặc biệt là nhóm dự án phân bón hiện đã sản xuất trở lại và có hiệu quả.

Trong buổi họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức sáng 14/7, tại Hà Nội trả lời báo giới về tình hình hiện tại của 12 dự án thua lỗ yếu kém đang thu hút sự quan tâm của dư luận – ông Dương Duy Hưng cho biết, thực hiện Nghị quyết số 33/2016/QH14 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ đã lập Ban chỉ đạo của Chính phủ do phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm trưởng ban.

12 dự án sai phạm

Theo đó, có 12 dự án cần phải xem xét, gồm 4 dự án sản xuất phân bón; 3 dự án sản xuất nguyên liệu sinh học; 2 nhà máy sản xuất thép; Nhà máy sản xuất sơ sợi Đình Vũ; Nhà máy Đóng tàu Dung Quất; Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam.

Theo ông Dương Duy Hưng, 7 tháng qua, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo Vương Đình Huệ đã chỉ đạo rất sát sao và đã đạt được những kết quả ban đầu tích cực.

“Ngay từ ngày 17/12/2016 – 16/1/2017, Ban chỉ đạo đã làm việc trực tiếp với 9/12 dự án để đánh giá cụ thể và nắm bắt tình hình, từ đó có chỉ đạo xử lý. Và chỉ trong 5-6 tháng đã có gần 200 văn bản chỉ đạo. Điều này đã thể hiện sự quyết tâm của Ban chỉ đạo”, ông Hưng cho hay.

Đưa ra phương án xử lý các dự án trên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch nêu rõ, sau khi thực hiện nhiều giải pháp, đến thời điểm này một số dự án ban đầu đã có chuyển biến rất tốt, đặc biệt là nhóm dự án phân bón hiện đã sản xuất trở lại và có hiệu quả.

Với 2 dự án thép, sau một thời gian triển khai cũng đã có những chuyển biến tích cực, riêng Nhà máy bột giấy Phương Nam, ông Hưng cho biết, các cơ quan chức năng đã lên phương án để tổ chức bán đấu giá tài sản và toàn bộ hàng hóa tồn kho của nhà máy này.

Nhấn mạnh về quan điểm của Bộ Công Thương, lãnh đạo Vụ Kế hoạch cũng chia sẻ thêm, thời gian tới các dự án trên sẽ tiếp tục được các cơ quan chức năng bám sát để chỉ đạo, giải quyết các vướng mắc khó khăn, đảm bảo đúng nguyên tắc và mục tiêu là làm cho các dự án này tốt lên trước khi xem xét có phải thoái vốn, bán vốn nhà nước hay không.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng yêu cầu các Tập đoàn, Tổng Công ty và Chủ đầu tư, trực tiếp là các Nhà máy trên phải nâng cao hiệu quả thông qua công tác quản trị, tiết giảm chi phí, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh

Đơn cử với các Nhà máy sản xuất đạm, lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu từng phân xưởng phải tiết giảm chi phí cụ thể và việc này được Bộ chỉ đạo rất sát trên quan điểm là không chờ đợi và làm sao để các dự án đang sản xuất đạt hiệu quả hơn nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh.

"Tháng 7 này Bộ sẽ trình Ban chỉ đạo của Chính phủ, trước khi trình Thủ tướng Đề án chính thức để xử lý các dự án, nhưng quan điểm sẽ là cho dù phương án thế nào thì hàng ngày vẫn tập trung xử lý để các dự án tốt lên," ông Dương Duy Hưng cho biết thêm.

Tại buổi họp báo, liên quan đến việc cho phá sản 2 dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ và nhà máy đóng tàu Dung Quất, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, thẩm quyền cho phá sản hay không trước hết không phải của Bộ Công Thương mà là của Chính phủ, phải báo cáo Trưởng ban chỉ đạo xử lý 12 dự án thua lỗ. Khi đã có ý kiến chỉ đạo và phê duyệt của các cấp thì vẫn phải thực hiện theo các quy định hiện hành về phá sản.

Trước đó, tại cuộc họp triển khai kết luận của Bộ Chính trị về việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp yếu kém, chậm tiến độ ngành công thương diễn ra chiều 5/7 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là vấn đề lớn nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành và toàn xã hội

Phó Thủ tướng nhắc lại chỉ đạo của Bộ Chính trị là phải giải quyết dứt điểm tồn tại vướng mắc, khắc phục thua lỗ tối đa cho nhà nước.

Cụ thể, năm 2017 phải hoàn thành phương án và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai phương án; năm 2018 xử lý căn bản tồn tại yếu kém; năm 2020 hoàn thành việc xử lý.

Đồng thời xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh với các tổ chức, cá nhân để xảy ra thua lỗ, thất thoát vốn nhà nước tại các dự án./.

Hà Giang
Theo Tổ quốc