Thứ bảy, 18/01/2025 | 17:46
RSS

Bỏ cộng điểm nghề để phù hợp chương trình mới

Thứ sáu, 08/11/2024, 10:51 (GMT+7)

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Quang Vinh.

Theo đó, Bộ GDĐT bỏ quy định học sinh giáo dục THPT, học viên giáo dục thường xuyên (GDTX) trong diện có Giấy chứng nhận nghề được cấp trong thời gian học THPT được cộng điểm khuyến khích căn cứ vào xếp loại (loại Giỏi được cộng 2 điểm; Khá cộng 1,5 điểm; Trung bình cộng 1 điểm).

Ghi nhận cho thấy, xung quanh nội dung này hiện còn nhiều ý kiến khác nhau. Một số quan điểm cho rằng, lẽ ra việc bỏ cộng điểm nghề đã phải thực hiện từ lâu.

Theo phân tích của TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT), thực tế lâu nay, việc học sinh học nghề phổ thông không phải vì mục tiêu phân luồng, hướng nghiệp để tiếp cận sớm với các nghề, mục đích chính là được cộng điểm khi xét tốt nghiệp THPT. Thành thử bản chất việc học nghề của học sinh không đạt hiệu quả như mong muốn. Trong khi, các nước đã bỏ từ lâu mô hình hướng nghiệp kiểu này.

Theo ông Vinh, nên thay việc này bằng việc có ý nghĩa hơn là hoạt động tư vấn hướng nghiệp. Nếu muốn, các trường phổ thông có thể kết hợp mời giảng viên trường nghề về dạy kỹ năng hẳn hoi cho học sinh theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề, có kiểm tra đánh giá rõ ràng. Từ đó, TS Hoàng Ngọc Vinh hoàn toàn đồng thuận hướng bỏ việc cộng điểm trong xét tốt nghiệp THPT.

Cô Trương Thị Thủy - giáo viên Trung tâm Giáo dục kỹ thuật tổng hợp số 5 (Hà Nội), từng chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố “Dạy học nghề phổ thông theo tiếp cận sư phạm tương tác ở các trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp trên địa bàn TP Hà Nội” cho biết, để tìm hiểu về thực trạng dạy nghề phổ thông, nhóm đã thực hiện điều tra gần 700 giáo viên và học sinh tại 6 trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp ở Hà Nội Qua khảo sát, có đến 83,9% học sinh cho rằng học nghề để được cộng điểm trong các kỳ thi tốt nghiệp.

Nhiều thầy cô giáo cũng chỉ ra rằng lâu nay học sinh chỉ học những nghề dễ cộng điểm còn những nghề khác thì rất ít hoặc không có học sinh học do khó có điểm cao khi thi nghề. Bên cạnh đó, học sinh cũng không được chọn học nghề theo sở thích năng lực mà chỉ học những nghề trường (trung cấp nghề) có dạy mà thôi. Chưa kể học sinh nam, nữ đều học chung một nghề trong khi nhu cầu và năng lực của mỗi học sinh là khác nhau. Các em nữ thường thiên về nghề làm bánh kem, cắm hoa, nấu ăn, may…

Ngược lại, học sinh nam thì nghiêng về nghề tin, điện, sửa chữa, nhưng các trường cũng không dạy những môn đó. Thực tế hiện nay nhiều trường nghề cơ sở vật chất còn hạn chế, không ít giáo viên dạy nghề chưa có chứng chỉ nghề phù hợp với việc giảng dạy. Do vậy, dẫn đến lãng phí tiền bạc và thời gian của các em khi tham gia học nghề.

Dẫu thế ở chiều ngược lại, vẫn còn có những ý kiến băn khoăn rằng, nếu Bộ GDĐT duy trì việc cộng điểm cho học sinh học nghề, GDTX thì sẽ tạo động lực cho học sinh và phụ huynh khi lựa chọn học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), GDTX. Bên cạnh đó, các cơ sở GDNN thuận lợi hơn trong việc tuyển sinh. Nếu bỏ cộng điểm khuyến khích cho học sinh học nghề trong xét tốt nghiệp THPT sẽ đi ngược lại với việc khuyến khích phân luồng, GDNN; có nguy cơ làm giảm đi số lượng học sinh đăng ký học nghề, từ đó công tác phân luồng, GDNN sẽ gặp khó khăn.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội GDNN TPHCM nêu quan điểm, hiện chúng ta đang thực hiện phân luồng và GDNN đối với học sinh THCS và THPT. Vì vậy, các trường THCS, THPT khuyến khích học sinh theo học các chương trình để lấy chứng chỉ nghề, thi năng lực nghề, phát triển kỹ năng, là rất cần thiết.

Trước đó, việc bỏ cộng điểm nghề tuyển sinh vào lớp 10 theo quy định của Bộ GDĐT cũng đã được cho là hợp lý và cần thiết. Bởi nhiều học sinh lớp 9 chọn thi nghề là vì điểm cộng chứ không phải vì định hướng nghề nghiệp. Vô hình chung việc thi nghề đã trở thành “phao cứu cánh” cho nhiều học sinh vào lớp 10, điều này khiến cho việc thi nghề không còn ý nghĩa như mục tiêu ban đầu.

Tại Hội nghị tổng kết công tác thi và thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 diễn ra mới đây, đại diện Bộ GDĐT cho hay, sẽ không còn cộng điểm chứng chỉ nghề do chương trình GDPT mới không còn quy định về hoạt động giáo dục dạy nghề như chương trình cũ.

Như vậy, nếu được phê duyệt, điểm mới trong quy chế thi tốt nghiệp THPT sẽ chính thức áp dụng từ năm 2025 – năm đầu tiên kỳ thi thực hiện theo chương trình GDPT 2018.

Vi Cầm
Theo Đại Đoàn Kết