Xuất hiện nhiều hội nhóm độc hại
Thời gian qua, tại Hà Nội xảy ra nhiều vụ cướp có tính chất manh động. Điều đáng nói là các thủ phạm quen nhau qua những hội nhóm làm liều trên Facebook, sau đó tập hợp lại để cùng nhau thực hiện các hành vi phạm tội.
Điển hình như 2 nam nghi phạm Nguyễn Văn Hiếu (31 tuổi, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và Nguyễn Thanh Tùng (41 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) gây ra vụ cướp tại phòng giao dịch của một ngân hàng lớn có địa chỉ ở phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm vào ngày 7/3 vừa qua.
Nguyễn Thanh Tùng (trái) và Nguyễn Văn Hiếu. Ảnh: CACC
Qua điều tra ban đầu xác định, từ giữa tháng 2/2022, thông qua nhóm "Hội những người vỡ nợ muốn làm liều" trên mạng xã hội Facebook, Hiếu và Tùng quen biết nhau.
Trong quá trình nói chuyện với nhau trên Hội, 2 đối tượng này đều nợ nần do đánh bài bạc trên mạng, tự kết nối với nhau, bàn bạc và thống nhất đi cướp tài sản. Ngoài cướp ngân hàng, trước đó, cả hai đã rủ nhau cướp cửa hàng tiện ích ở khu vực quận Thanh Xuân.
2 đối tượng trên không phải những thành viên đầu tiên trong hội nhóm này biến những ý tưởng ảo trở thành hành vi phạm tội thật.
Trước đó, vào đầu năm nay, 3 đối tượng khác quen biết nhau qua hội nhóm trên cũng đã rủ nhau xông vào một chung cư ở Linh Đàm (Hà Nội) xịt hơi cay, hành hung, trói cư dân để cướp tài sản.
Tình hình tội phạm sẽ diễn biến phức tạp hơn
Trước tình trạng trên, tại Hội nghị sơ kết công tác công an quý 1/2022 vừa qua, Trung tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đề nghị, lực lượng chức năng rà soát các vấn đề nổi lên trên không gian mạng, hoạt động của các hội nhóm tội phạm trên mạng để đấu tranh, xử lý kịp thời.
Theo Trung tướng Trần Ngọc Hà, trong quý 1/2022, tội phạm hình sự giảm, nhưng có 5 loại tội phạm tăng là giết người; cướp tài sản; cướp giật tài sản; tổ chức đánh bạc và đánh bạc, mại dâm.
Riêng tội phạm cướp tài sản xảy ra 156 vụ, chỉ chiếm chưa đến 2% số vụ nhưng có 282 đối tượng tham gia.
Trong đó, số vụ cướp tài sản tại 5 địa phương là Hà Nội, TP.HCM Long An, Đồng Nai, Tiền Giang đã chiếm 44,23% so với số vụ toàn quốc với 40 vụ cướp nhà dân, 6 vụ cướp tại chi nhánh ngân hàng, 6 vụ cướp tại cửa hàng tiện ích.
"Đã xuất hiện thủ đoạn các đối tượng kết bạn qua các hội nhóm kín trên không gian mạng để rủ nhau cướp. Chúng đều là đối tượng không có việc làm, không chịu làm việc, chơi bời, cờ bạc dẫn đến khó khăn về kinh tế, nợ nần nên rủ nhau đi cướp", Trung tướng Trần Ngọc Hà cho biết.
Về phòng ngừa loại tội phạm này, theo Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục Cảnh sát hình sự đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo lực lượng tổ chức điều tra cơ bản theo chuyên đề.
Tham mưu cho lãnh đạo Bộ có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước; đề nghị công an các địa phương tham mưu cho các lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng, cửa hàng tiện ích… tổ chức phòng ngừa tội phạm.
Phối hợp với các cục nghiệp vụ, công an địa phương hội ý nghiệp vụ đánh giá tình hình, đề ra biện pháp đấu tranh.
Dự báo trong quý 2, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp hơn, Cục Cảnh sát hình sự sẽ tiếp tục chỉ đạo nghiêm các đơn vị, địa phương theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, tăng cường công tác nghiệp vụ cơ bản, tăng cường kiểm tra hướng dẫn lực lượng tập trung điều tra cơ bản 4 lĩnh vực chính.
Làm việc với Cục Kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước, khảo sát các chi nhánh ngân hàng, triển khai các biện pháp phòng ngừa những vụ cướp tài sản.
Theo luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty luật Minh Bạch, những người lập, quản lý các nhóm làm liều trên mạng Internet có thể bị xử phạt hành chính từ 10 - 20 triệu đồng. Những hội nhóm trên mạng có thể là ảo nhưng những hệ luỵ của nó là thật. Để rồi, từ những người không quen biết, rủ nhau làm liều qua mạng, giờ đây, các đối tượng đã cùng nhau vào vòng lao lý. Để sớm loại bỏ các hội nhóm tiêu cực này, mỗi người dùng mạng xã hội có thể thể hiện quan điểm tẩy chay bằng cách báo cáo sai phạm (report) các hội nhóm này. |