Chủ nhật, 19/01/2025 | 13:33
RSS

Bị nói xấu trên Facebook, kiện thế nào?

Chủ nhật, 29/04/2018, 06:00 (GMT+7)

TAND Q.2 (TP.HCM) vừa tuyên một thầy giáo bồi thường, xin lỗi công khai đồng nghiệp tại nơi làm việc vì viết trên Facebook nội dung không đúng, làm dấy lên câu chuyện phải ứng xử với nhau như thế nào trên mạng xã hội.

Bị nói xấu trên Facebook kiện thế nào?
Bị nói xấu trên Facebook, kiện thế nào?. Ảnh minh họa.

Thực tế, cậu chuyện viết status nói xấu nhau, chửi “đổng” nhau hay vu cáo nhau trên Facebook hay bất cứ một mạng xã hội nào khác không phải là chuyện hiếm. Song thực tế, để kiện nhau ra toà thì rất ít. Bởi khi xảy ra chuyện, nhiều người tặc lưỡi cho rằng “thôi, kệ”, rồi cho qua. Trong trường hợp muốn bảo vệ danh dự cho mình thì cần phải làm gì?

Khởi kiện vì bị nói lộ đề thi trên Facebook

Bà Phan Thị Bích Ngọc (46 tuổi, giáo viên dạy văn trường THPT Thủ Thiêm, P.An Phú, Q.2, TP.HCM), là nguyên đơn trong vụ kiện mà TAND Q.2 đã xét xử và tuyên án vào chiều tối 23.4.2018, cho biết vào lúc 2 giờ 14 phút sáng ngày 3.3.2017, một đồng nghiệp của bà đăng dòng trạng thái (status) trên tài khoản Facebook cá nhân: “Đề thi đã bị lộ!”

Nội dung status nêu đề và lời giải phần đọc - hiểu trong đề thi môn Văn giữa học kỳ 2 lớp 10 đã được bà Ngọc cho học sinh chép đầy đủ vào tập văn ở lớp mình dạy vào hai ngày trước khi thi. Đồng nghiệp của bà cũng thông tin trên Facebook rằng sự việc đã được giáo viên tổ Văn đưa lên Ban giám hiệu giải quyết, kết quả như thế nào thì hồi sau sẽ rõ. Cuối đoạn status ghi: “Tan nát!”.

Với dòng trạng thái này, đồng nghiệp của bà đã gắn thẻ (tag) với 8 Facebook khác. Dòng trạng thái có 190 lượt thích (like), 23 lượt chia sẻ và 67 lượt bình luận (comment) với những nội dung phản cảm, thiếu căn cứ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bà...

Cũng theo bà Ngọc, một ngày sau khi bị nam đồng nghiệp đăng status nói xấu, bà mới biết sự việc và bà ngay lập tức làm văn bản kiến nghị lên nhà trường để làm rõ, đồng thời gửi đơn tố cáo ra Công an Q.2.

Đến ngày 15.4.2017, nhà trường có báo cáo gửi Ban Giám đốc Sở GD - ĐT TP.HCM về quy trình làm đề các kỳ kiểm tra tập trung năm 2016 - 2017, kết luận không có chuyện lộ đề như thông tin trên Facebook của đồng nghiệp bà Ngọc đăng tải.

Cũng theo bà Ngọc, khoảng tháng 5.2017, Công an Q.2 có văn bản trả lời bà, rằng nội dung tố cáo là tranh chấp dân sự, không có yếu tố hình sự nên công an không thụ lý.

“Công an thì không thụ lý, tôi búc xúc đề nghị nhà trường giải quyết nhưng Ban giám hiệu lại trả lời nhà trường chưa có quy định nào về việc xử lý thông tin vu khống, làm nhục tên Facebook cả. 20 năm đi giảng dạy, tội chưa bao giờ cảm thấy xấu hổ như vậy. Lên trường thì học trò và những giáo viên khác nhìn tôi với ánh mắt dò xét. Có nhiều em học trò cứ phao tin nhau rằng “lộ đề hả, lộ đề hả, phải thi lại nữa rồi”, khiến tôi không biết phải nói như thế nào cho các em hiểu”, bà Ngọc trăn trở.

“Khi về nhà, thấy tôi cứ dằn vặt, chồng tôi nói thôi bỏ qua đi, suy nghĩ làm gì cho đau đầu. Coi như mình họa vô đơn chí bị liên quan. Nhưng khi lên trường giảng dạy, nhìn các em học sinh tôi nghĩ mình cần phải làm gì đó để giải quyết mọi việc. Được nhiều giáo viên khác tư vấn nên tôi tìm luật sư (LS)”, bà Ngọc chia sẻ thêm.

Khi được LS hướng dẫn, ngày 19.7, bà Ngọc yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng 2 dòng trạng thái mà đồng nghiệp của bà đăng tải không đúng sự thật.

Cũng nhờ chứng cứ được lập vi bằng này, chiều tối 23.4 .2018, TAND Q.2 (TP.HCM) xử sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện “đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do uy tín, nhân phẩm bị xâm phạm”, giữa nguyên đơn là bà Ngọc và bị đơn là một đồng nghiệp của bà.

Theo đó, HĐXX tuyên buộc bị đơn phải xin lỗi công khai bà Ngọc tại nơi làm việc do viết, đăng thông tin trên Facebook sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín đồng nghiệp.

Đồng thời, tòa buộc đồng nghiệp của bà Ngọc phải bồi thường gần 20 triệu đồng, bao gồm bồi thường tổn thất về tinh thần bằng 10 tháng lương cơ sở, chi phí lập vi bằng. 

Có thể làm đơn tố cáo, kiện ra tòa

LS Nguyễn Văn Đức (Đoàn LS TP.HCM) cho biết, nhiều người có quan niệm, Facebook là không gian ảo nên muốn nói gì thì nói mà không cần biết, không cần quan tâm đến lời nói mình có làm tổn thương đến người khác hay không.

“Người chơi Facebook cần phải hiểu rằng những lời nói, viết xúc phạm người khác trên Facebook là hành vi vi phạm pháp luật bị pháp luật nghiêm cấm. Tùy theo mức độ mà có thể bị xử phạt hành chính; bị bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm; nếu gây thiệt hại nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự ở các tội: nhục người khác (điều 155 bộ luật Hình sự 2015), với mức hình phạt: cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm (khoản 1), từ 3 tháng đến 2 năm (khoản 2); từ 2 năm đến 5 năm (khoản 3);

Tội vu khống (điều 156 bộ luật Hình sự 2015) với mức hình phạt: phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm (khoản 1); phạt tù từ 1 năm đến 3 năm (khoản 2); phạt tù từ 3 năm đến 7 năm (khoản 3);

Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (điều 288 bộ luật Hình sự 2015) với mức hình phạt: cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm (khoản 2)”, LS Đức phân tích.

Đối với người bị người khác xúc phạm trên Facebook, theo LS Đức, trước hết, người bị xúc phạm cần thu thập bằng chứng thông qua việc nhờ Văn phòng thừa phát lại lập vi bằng. Việc lập vi bằng cần phải thực hiện ngay sau khi phát hiện có hành vi xâm phạm, vì nếu để lâu, những thông tin đó có thể bị gỡ bỏ, xóa dấu vết.

“Sau khi lập vi bằng, người bị xâm phạm về uy tín, danh dự có thể tự mình hoặc thông qua LS, làm đơn tố cáo ra công an hoặc khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình”, LS Đức cho hay.


Xem thêm: Phát sốt vì U23 Việt Nam Mark Zuckerberg tặng món quà không tưởng cho cả đội U23 VN

Phan Thương
Theo Thanh niên