Muốn tiết kiệm được tiền phải có kế hoạch chi tiêu. Ảnh minh họa
Trong thời buổi bão giá hiện nay, việc chi tiêu sao cho hợp lý mà cuộc sống vẫn đủ đầy là một vấn đề được nhiều chị em hết sức quan tâm. Có rất nhiều người than thở rằng làm ra bao nhiêu đều tiêu hết bấy nhiêu và lên hội nhóm của chị em để xin bí quyết giữ tiền. Câu chuyện của tài khoản N.A dưới đây là một ví dụ điển hình.
“Chẳng là lương của em làm văn phòng được 7 triệu, chồng em lương được 14 triệu. Vậy mà không hiểu sao chi tiêu cho hai vợ chồng tháng nào cũng hết, đấy là đã có nhà ở không phải thuê rồi đấy ạ. Sang năm em định sinh con nên đang muốn tiết kiệm để có chút vốn mà hoang mang không biết làm thế nào. Các chị em có cao kiến gì để em tiết kiệm được không giúp em với ạ”.
Ngay sau khi được đăng tải, câu chuyện trên đã thu hút được sự chú ý của nhiều người với rất nhiều bình luận. Hầu hết mọi người đều cho rằng với mức lương như vậy, cô gái có thể tiết kiệm được số tiền tương đối mà cuộc sống vẫn đủ đầy nếu biết chi tiêu.
Trong đó, có một bà mẹ bỉm sữa đã gợi ý cho N.A bảng chi tiêu của hai vợ chồng để từ đó có thể tham khảo:
- Điện, nước, internet: 600.000 đồng - Tiền ăn: 3,8 triệu (nấu ăn 3 bữa, mang cơm đến cơ quan ăn trưa, 1 tháng có 2 ngày đi ăn bên ngoài) - Dầu gội, kem đánh răng, xà phòng, ga: 200.000 đồng - Tiền xăng: 500.000 đồng - Tiền điện thoại: 400.000 đồng - Hoa quả, sữa chua: 500.000 đồng - Chi phí phát sinh, đi ăn hàng: 2 triệu đồng |
Với mức chi 7,9 triệu, hai vợ chồng vẫn có cuộc sống đủ đầy và số tiền dư 13 triệu đồng sẽ được cho vào khoản tiết kiệm. Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần phải ghi nhớ những bí quyết sau:
Lên kế hoạch chi tiêu
Để tiết kiệm được tiền, trước hết bạn phải dự trù được xem hàng tháng nhà mình tiêu bao nhiêu tiền. Hãy tính tất cả các khoản như điện, nước, ăn uống, đi lại, điện thoại... và trích ra một khoản riêng để tiêu trong tháng đó. Nếu như có việc gì cần gấp lắm mới phải dùng đến số tiền tiết kiệm.
Đối với vợ chồng N.A, có thể tham khảo mức chi phí hợp lý là 8 triệu đồng/tháng và chỉ khoanh vùng chi tiêu trong mức đó.
Với mức lương 21 triệu, hai vợ chồng vẫn có cuộc sống thoải mái mà tiết kiệm được số tiền lớn. Ảnh minh họa
Trích một phần vào tài khoản tiết kiệm
Sau khi để một số tiền cụ thể để chi tiêu, số còn lại hãy chuyển ngay vào tài khoản tiết kiệm. Nếu cứ để bên ngoài, bạn sẽ tiêu hết lúc nào mà không hay biết đâu đấy!
Tương tự, sau khi để riêng 8 triệu để chi tiêu, N.A hãy chuyển ngay 13 triệu còn lại vào tài khoản tiết kiệm, chỉ khi có việc cần kíp lắm mới lấy ra dùng.
Nấu ăn ở nhà
Việc nấu ăn ở nhà không chỉ đảm bảo vệ sinh, giữ gìn sức khỏe mà còn tiết kiệm được nhiều thời gian và tiền bạc. Trong 3,8 triệu tiền ăn, có thể cân đối như sau:
- Buổi sáng bạn hãy chịu khó vào bếp chuẩn bị bữa sáng cho hai vợ chồng những món đơn giản như mì nấu thịt băm, bánh mì xúc xích, mì tôm trứng... với giá trung bình khoảng 25.000 đồng/ngày, như vậy 1 tháng hết khoảng 750.000 đồng tiền ăn sáng.
- Bữa trưa nấu cơm mang đi và bữa tối nấu ăn ở nhà, một ngày mua thức ăn hết khoảng 110.000 đồng. Trong tháng sẽ có khoảng 2 ngày ăn bên ngoài nên tiền ăn bữa trưa và tối sẽ vào khoảng hơn 3 triệu/28 ngày.
Lên danh sách thứ cần mua trước khi đi mua sắm
Khi đi mua sắm, đặc biệt là vào siêu thị, mọi người thường muốn mua rất nhiều thứ. Để tránh tình trạng cháy túi vì lỡ “vung tay quá trán”, bạn nên lên sẵn một danh sách những thứ cần phải mua và chắc chắn mua những thứ đó. Có những thứ rất hấp dẫn nhưng nếu như nó thực sự không cần thiết thì cũng không nên mua về.