Chủ nhật, 19/01/2025 | 12:13
RSS

Bi hài vụ chồng lừa lấy phôi của vợ để giúp... bồ mang thai: Lỗi của ai?

Thứ tư, 16/10/2019, 06:21 (GMT+7)

Chuyện động trời này vừa được phát hiện ở Bệnh viện Bưu điện. Rất nhiều vấn đề được đặt ra sau sự cố hi hữu, chưa có tiền lệ này.

Sau thông tin liên quan đến vụ chồng lừa lấy phôi trữ đông của vợ để giúp người phụ nữ khác mang bầu tại Bệnh viện Bưu điện, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng, rất cần thiết phải kết nối các trung tâm hỗ trợ sinh sản trên cả nước, và phải có hệ thống nhận dạng "chính chủ" tránh trường hợp không hay.

Chưa từng có tiền lệ

Trao đổi với PV Gia đình & xã hội ngày 14/10, GS Nguyễn Viết Tiến cho hay, hai vợ chồng sau khi thực hiện lưu trữ phôi (phôi là sản phẩm của quá trình kết hợp giữa noãn và tinh trùng) tại một cơ sở y tế, nếu ly hôn nhưng muốn phôi đó hiến tặng cho người khác thì phải có sự đồng ý của cả hai người. Nếu đơn phương (chỉ chồng hoặc vợ) muốn hiến cũng được trong điều kiện người kia phải đồng ý bằng văn bản.

"Phôi là tài sản, sản phẩm chung của cả hai người. Nếu chỉ có một người đồng ý hiến tặng thì không được" - GS Tiến khẳng định.

Ngay tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, GS.TS Nguyễn Viết Tiến cho hay muốn hiến tặng phôi, bệnh viện sẽ phải mời hai vợ chồng cùng có mặt, ký trước mặt bác sĩ, bệnh viện.

"Điều này là để tránh trường hợp ký giả, người giả" - GS Tiến cho hay.

Bi hài vụ chồng lừa lấy phôi của vợ để giúp... bồ mang thai: Lỗi của ai? - Ảnh 1
GS.TS Nguyễn Viết Tiến

Theo GS Tiến, rất cần thiết phải phải có kết nối thông tin các trung tâm. Điều này sẽ giúp kiểm soát người tới hiến, nhận tinh trùng, noãn, phôi theo đúng quy định. Cùng đó, cần có hệ thống hiện đại giúp nhận diện "chính chủ" (quét vân tay, mống mắt...).

Luật quy định mỗi người chỉ được tự nguyện cho tinh trùng, cho noãn tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được Bộ Y tế công nhận được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Nếu có sự kết nối giữa các trung tâm, khi có người đã hiến ở trung tâm này rồi, ở một trung tâm rất xa cũng có thể biết được.

Trong suốt quá trình làm công việc hỗ trợ sinh sản, cũng như quản lý nhà nước về ngành Y tế, GS Nguyễn Viết Tiến cho biết chưa bao giờ ông gặp trường hợp như thế.

Bi hài vụ chồng lừa lấy phôi của vợ để giúp... bồ mang thai: Lỗi của ai? - Ảnh 3.
Soi mật độ tinh trùng tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Ảnh: Võ Thu

TS Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho hay vụ việc này "chưa có tiền lệ", đặt ra nhiều vấn đề pháp lý, trong đó có việc: Đứa con do "người thứ 3" này sinh ra sẽ là con của ai? Em bé sẽ được hưởng các quyền thừa kế, nuôi dưỡng... ra sao?

Ông Quang nhận định, vụ việc xảy ra có lỗi của bệnh viện (không đơn thuần là bị lừa, qua mặt), lỗi của người chồng, và người được cho là "bồ" của người chồng. Trong đó, với lỗi của bệnh viện, ông Quang đặt câu hỏi: Vì sao Bệnh viện lại chuyển phôi tiếp khi con trước đó mới hơn 7 tháng tuổi?

Hôm nay, đại diện Vụ Pháp chế, Vụ Sức khoẻ - Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) sẽ có cuộc làm việc với Bệnh viện Bưu điện về vấn đề này.

Bệnh viện kêu bị qua mặt vì người chồng quá tinh vi

Theo bà Nguyễn Thị Nhã - Trưởng đơn vị Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện, nơi xảy ra vụ việc, hai vợ chồng bà Nghĩa (đã đổi tên) ở Bắc Ninh đã thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm tại bệnh viện cuối năm 2017 và được 2 phôi. Trong 2 phôi này, 1 phôi đã chuyển vào cho người vợ và người vợ đã sinh 1 con trai vào tháng 9/2018. Phôi còn lại lưu trữ tại Bệnh viện Bưu điện.

Trong đợt đăng ký trữ phôi mới, người chồng đã đến báo mất thẻ gửi phôi và đơn vị này đã làm thẻ mới, giao cho người chồng. Theo xác minh của bệnh viện, hồi tháng 2, chồng bà Nghĩa đưa một người phụ nữ đến Bệnh viện Bưu điện để làm thủ tục lấy phôi vợ đang lưu giữ tại đây.

Đại diện bệnh viện cho biết chồng bà Nghĩa trình giấy ủy quyền của vợ, lấy chứng minh thư và giấy tờ cần thiết tên bà Nghĩa. Khi nhân viên của bệnh viện rà soát thông tin trước khi chuyển phôi, người phụ nữ cung cấp toàn bộ dữ liệu (chứng minh thư, đăng ký kết hôn gốc, sổ hộ khẩu gốc), nhận mình là bà Nghĩa.

Đặc biệt, người này trả lời đúng hết ngân hàng câu hỏi của bệnh viện về ngày đăng ký kết hôn, tên các con, ngày đăng ký kết hôn, nơi đăng ký kết hôn. "Nếu trả lời sai, bệnh viện sẽ phải check lại vân tay. Nhưng trường hợp này, cô này lại trả lời đúng hết" - bà Nhã nói.

Đây là thủ tục để chuyển phôi, do đó, người phụ nữ mà ông chồng bà Nghĩa mang đến, được chuyển phôi ngày 2/4/2019.

Bệnh viện chỉ phát hiện ra vụ việc 3 tuần sau khi đã chuyển phôi - sau khi gọi điện lại cho người vợ và là chủ sở hữu hợp pháp của phôi.

Bà Nhã cho rằng, người chồng đã có sự chuẩn bị rất chi tiết, tinh vi, kỹ càng. Đặc biệt, người phụ nữ được cho là "bồ" của chồng bà Nghĩa lại ngang tầm tuổi bà Nghĩa (bà Nghĩa 49 tuổi còn người phụ nữ kia 45 tuổi) nên bệnh viện không phát hiện ra sai sót nào. Bà Nhã phân trần: Ảnh trên CMND cách đây hàng chục năm lại mờ nhòe thì rất khó để phát hiện ra không phải cùng một người.

Một báo cáo do nhóm bác sĩ từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Đaị học Y Hà Nội cùng nghiên cứu, vừa công bố cho thấy chỉ có 9/23 trung tâm hỗ trợ sinh sản trên toàn quốc có phần mềm nhận diện trùng lặp, nhằm đảm bảo tinh trùng, noãn hiến tặng chỉ được sử dụng cho một người, nếu không thành công mới chuyển cho người khác.

7 trung tâm đã sử dụng các thông tin người hiến, vân tay... để từ chối những nười hiến nhiều lần, nhưng việc này chỉ có thể thực hiện được tại trung tâm có phần mềm nhận diện trùng lặp, không sàng lọc được ở các trung tâm chưa sử dụng phần mềm, việc sàng lọc bằng kinh nghiệm hoặc các công cụ khác chưa hiệu quả.

Võ Thu
Theo Gia đình&Xã hội