Thứ ba, 16/04/2024 | 22:55
RSS

Bé trai 2 tuổi ngưng tim, ngưng thở vì hóc thạch, bác sĩ cảnh báo nguy hiểm khôn lường

Chủ nhật, 16/06/2019, 08:32 (GMT+7)

Khi đang ăn thạch cùng mẹ thì bé bị sặc, da bắt đầu tím tái. Bé nhập viện cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở với toàn thân tím tái.

Bé trai 2 tuổi ngưng tim, ngưng thở vì hóc thạch, bác sĩ cảnh báo nguy hiểm khôn lường
Các bác sỹ tiến hành cấp cứu cho bé trai 2 tuổi bị ngưng tim vì hóc thạch rau câu (Ảnh cắt từ clip)

Bệnh viện Phổi tỉnh Nghệ An cho biết vùa cấp cứu thành công cho bé trai Nguyễn Hà Gia K. (2 tuổi), ở xã Nghi Liên, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An bị ngưng tim, ngưng thở do hóc thạch rau câu.

Trao đổi với báo Người Đưa Tin, bác sĩ Đậu Minh Quang, Giám đốc BV cho hay, theo thông tin ban đầu, khoảng 10h30 cùng ngày, bé K. được người thân đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở với toàn thân tím tái.

Theo VOV, người nhà bệnh nhi cho biết thêm, khoảng 15 phút trước lhi xảy ra tai nạn, bé K. vẫn ngồi chơi và ăn thạch cùng mẹ bình thường. Tuy nhiên, khi đang ăn thì bé bị sặc, da bắt đầu tím tái.

Ngay khi được đưa vào phòng cấp cứu, các bác sĩ dùng thủ thuật gắp được một ít thạch rau câu ra ngoài. Sau đó, bệnh nhi tiếp tục được ép tim ngoài lồng ngực, đặt nội khí quản, bóp bóng đồng thời nội soi để gắp tiếp phần thạch còn lại. Sau khoảng 30 phút nỗ lực cấp cứu, bé K. bắt đầu thở lại.

“Nạn nhân bị tắc hẳn ở phế quản, khi gắp ra thì có rất nhiều thạch bên trong. Cũng may cháu được đưa đến bệnh viện kịp thời. Người mẹ rất nhanh trí khi cung cấp chi tiết thông tin bị hóc thạch rau câu để bác sĩ khẩn trương cấp cứu”, bác sĩ Quang trả lời trên báo Người Đưa Tin.

Sau khi dần ổn định và hồi phục sức khỏe bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để theo dõi.

Không nên cho trẻ ăn thạch một mình

Bác sĩ PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng,Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, các bác sĩ, các phương tiện truyền thông đã cảnh báo và đưa tin nhiều về các trường hợp hóc thạch nhưng điều đáng buồn là cha mẹ vẫn cho trẻ nhỏ ăn thạch. Trẻ hóc thạch là lỗi tại người lớn, từ sự bất cẩn của chính người lớn chứ không phải do trẻ.

Lý giải về các trường hợp thương tâm trẻ tử vong do hóc thạch, bác sĩ Dũng khẳng định “Trong số các trường hợp hóc dị vật thì hóc thạch là nguy hiểm nhất. Bởi miếng thạch mềm, dễ dàng thay đổi hình dáng ôm khít lấy đường thở khiến trẻ ngạt thở nhanh chóng, thiếu ôxy lên não. Khi đến viện, việc gắp dị vật khỏi đường thở cũng rất khó khăn bởi thạch trơn, đầu trụ dễ trượt, dễ nát vụn.

Với trẻ chẳng may bị hóc thạch, ngay lập tức cần sơ cứu bằng cách dốc ngược đầu trẻ xuống đất (hoặc nằm vắt ngang đùi người lớn, bụng chèn vào đùi để đầu dốc xuống đất) rồi dùng tay vỗ mạnh vào lưng để dị vật qua khỏi thanh môn, hoặc tạo khe hở để trẻ dễ thở hơn và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không được dùng tay cố móc thạch ra khỏi cổ trẻ bởi việc làm này vô tình càng làm miếng thạch bị đẩy sâu vào bên trong, bít hết đường thở của trẻ, khiến trẻ tử vong nhanh.

Mai Anh (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN

CÙNG CHUYÊN MỤC