Thứ năm, 09/05/2024 | 01:54
RSS

Bé trai 18 tháng mất mạng vì uống phải tinh dầu đèn đuổi muỗi

Thứ ba, 19/05/2020, 09:35 (GMT+7)

Lọ tinh dầu đuổi muỗi do bố mẹ cháu bé mua về dùng nhưng vì không cẩn thận bé trai 18 tháng đã lấy chơi và uống phải gây tử vong.

Ngày 18/5, ông Hoàng Hữu Đông, Chủ tịch UBND xã Đà Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An), cho VTC News biết trên địa bàn xã này vừa xảy ra trường hợp một bé trai 18 tháng tuổi tử vong khi uống tinh dầu đèn đuổi muỗi. Nạn nhân là bé N.B.M.K. (18 tháng tuổi, trú xã Đà Sơn, huyện Đô Lương).

Sự việc xảy ra vào khoảng 11h ngày 17/5 tại gia đình anh N.Đ.P (trú xóm 4, xã Đà Sơn). Thời điểm đó, cháu N.B.M.Kh (18 tháng) thấy lọ dầu đuổi muỗi nên lấy uống. Khi phát hiện bé uống phải dung dịch trong đèn đuổi muỗi và lên cơn co giật thì gia đình hoảng hốt đưa bé đến bệnh viện cấp cứu. Sau hơn 1 giờ đồng hồ tích cực cứu chữa nhưng bé đã không qua khỏi.

Bé trai 18 tháng mất mạng vì uống phải tinh dầu đèn đuổi muỗi
Hình ảnh được cho là của bé trai. Ảnh: PLO

Cán bộ chính quyền xã Đà Sơn đã thăm hỏi, chia buồn, động viện gia đình bố, mẹ của cháu K. Theo người thân, M.K. là con thứ hai trong gia đình. Còn lọ dầu đuổi muỗi do bố mẹ cháu bé mua về dùng nhưng vì không cẩn thận bé trai đã lấy chơi và uống phải.

Hiện chưa rõ chủng loại và tên của tinh dầu và đè đuổi mỗi mà bé Kh. uống phải là loại gì.

Trước đó, báo LĐTĐ từng có bài phản ánh về việc sử dụng tinh dầu đuổi muỗi tràn lan.Trên thị trường có nhiều loại tinh dầu giá rẻ, thường là hương liệu tổng hợp. Một số chất trong tạo mùi thơm có độc tính đối với cơ thể như toluen, aceton, focmaldehit… có thể gây ung thư dị tật bẩm sinh, vô sinh gây tổn thương hệ thần kinh. Những sản phẩm có mùi càng thơm, hương lưu lâu càng chứa nhiều hóa chất. Nguy hại nhất là tinh dầu thơm hoá học có nguồn gốc dạng benzene đa vòng thơm và các dẫn chất của benzene.

"Benzene là một hoá chất có trong danh sách các chất được công nhận có thể gây ung thư trên con người. Nếu làm việc ở nơi có quá nhiều vật dụng chứa benzene, hít thở không khí chứa nhiều benzene lâu ngày có thể bị tổn thương não không hồi phục, mờ mắt, nhức đầu kinh niên hay ngất xỉu. Với phụ nữ, nhiễm benzene có thể gây teo buồng trứng và hậu quả là vô sinh, gây rối loạn kinh nguyệt. Với đàn ông có thể làm biến dạng hoặc giảm chất lượng tinh trùng, gây thiếu máu, rối loạn hồng cầu”, nguyên Trưởng Khoa Y học cổ truyền (Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh.

Ngoài ra, tùy theo cơ địa của mỗi người có thể xảy ra phản ứng nhạy cảm khác nhau. Việc sử dụng tinh dầu nồng độ cao có thể gây ra phỏng. Đặc biệt, với người có bệnh hen suyễn mãn tính, da dễ phản ứng nhạy cảm, gia đình có trẻ sơ sinh không nên sử dụng hoặc tiếp xúc với tinh dầu. Đối với những người dị ứng mùi thơm khi tiếp xúc với hóa chất có mùi sẽ bị nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi, các chứng bệnh về hô hấp, hen suyễn thứ phát... Thậm chí kích động, mất định hướng, rối loạn hoạt động cơ. Đa số cơ thể không thể hiện phản ứng hương thơm trong thời gian ngắn, mà chỉ phản ứng khi bị tác động lâu dài, "tích" đủ lượng… thì sẽ gây tổn hại sức khỏe

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN