Bệnh nhi bị cành cây đâm xuyên cổ sau khi ngã từ trên cây cao xuống. Ảnh: NLĐ
Sáng ngày 22/9, thông tin từ Bệnh viên Đa khoa tỉnh Sơn La cho biết, các y, bác sĩ bệnh viện này vừa phẫu thuật thành công, cứu sống một bệnh nhi bị cành cây đâm xuyên cổ. Theo đó, bệnh nhi là bé Cà Văn T. (12 tuổi; ngụ xã Púng Tra, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) nhập viện trong tình trạng mất máu nặng do vết thương bị cành cây đâm xuyên cổ.
Theo người nhà bệnh nhân, trong lúc trèo cây cao, T. bị ngã xuống cây cà phê phía dưới, bị thân cây cà phê gãy chọc xuyên vùng cổ, sau đó người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Châu và đã được sơ cứu tại đây rồi chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơ La điều trị.
Các bác sĩ tiến hành mổ cấp cứu cho bệnh nhi. Ảnh: NLĐ
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơ La, qua thăm khám, nhận định đây là trường hợp nguy kịch, kíp trực đã tiến hành hồi sức tích cực, hội chẩn và chuyển thẳng bệnh nhân lên phòng mổ gây mê, tiến hành mổ cấp cứu cho bệnh nhân.
Kíp mổ do ThS.BS Lương Đức Hà- Trung tâm chấn thương cùng các bác sĩ gây mê đã tiến hành mổ cấp cứu cho bệnh nhân. Các bác sĩ mở rộng vết mổ về hai phía vết thương, bóc tách đầu vào và ra của vết thương, rạch da mặt trước ngoài vùng cổ trái theo hướng của dị vật, bộc lộ lấy dị vật (cành cây) ra khỏi vùng cổ bệnh nhân.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ thấy máu chảy nhiều qua vết mổ, bộc lộ thấy tổn thương cảnh ngoài, cơ bám da cổ, cơ ức đòn chũm. Tiến hành khâu nối cảnh ngoài, khâu phục hồi tổn thương cơ, rửa sạch và đóng vết mổ. Sau phẫu thuật bệnh nhân ổn định, hiện đang được theo dõi và điều trị tại bệnh viện.
Trao đổi với NLĐ, bác sĩ Lương Đức Hà - Khoa chấn thương chỉnh hình - Bệnh viên Đa khoa tỉnh Sơn La cho biết, vết thương mạch máu lớn vùng cổ là những vết thương chí mạng do mất nhiều máu, tính mạng của bệnh nhân phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng sơ cứu ban đầu.
Với những vị trí thuận lợi thì garo là kỹ thuật tốt nhất, còn những vị trí khó như vùng cổ, bẹn thì có thể dùng tay chặn chặt trên vết thương để giảm mất máu. Nếu làm tốt giai đoạn sơ cứu ban đầu thì khả năng bệnh nhân được cứu sống sẽ cao hơn.