Thứ bảy, 27/04/2024 | 12:31
RSS

Bé 2 tháng tuổi suýt tử vong do thói quen bế rung lắc của người lớn

Thứ ba, 19/03/2024, 11:19 (GMT+7)

Thấy bé 2 tháng tuổi quấy khóc nên gia đình bế đung đưa để dỗ, ít ngày sau trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch và được chẩn đoán tổn thương thần kinh do rung lắc.

Mới đây, thông tin từ Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận một bệnh nhi 2 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì thói quen dỗ dành trẻ mà nhiều gia đình hay mắc phải.

Theo chia sẻ của gia đình bệnh nhi, trước đó, trẻ không bị té ngã, chấn thương, chưa co giật lần nào. Trước khi nhập viện 3 ngày, trẻ thường xuyên quấy khóc nên gia đình phải bế theo kiểu đung đưa để dỗ. Khi thấy trẻ có triệu chứng bú ít, kém linh hoạt, gia đình đã đưa trẻ vào bệnh viện cấp cứu.

Thời điểm được đưa đến Bệnh viện Nhi trung ương, trẻ trong tình trạng tăng trương lực cơ liên tục, tím môi, thóp trước căng phồng, co giật, có dấu hiệu tăng áp lực nội sọ, nguy cơ tử vong cao.

Các bác sĩ nghi ngờ trẻ tổn thương thần kinh sau thăm khám lâm sàng và siêu âm thóp. Bệnh nhi sau đó được tiến hành chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não, soi đáy mắt để xác định chính xác tổn thương. Kết quả cho thấy trẻ tụ máu não, phù não lan tỏa các bán cầu não 2 bên, kèm xuất huyết võng mạc, phù gai thị, nghi do hội chứng rung lắc.

Bé 2 tháng tuổi suýt tử vong do thói quen bế rung lắc của người lớn

Bệnh nhi được theo dõi và điều trị tại Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Trẻ được chuyển đến điều trị tại Khoa Điều trị tích cực Nội khoa sau khi được xử trí ban đầu tại Khoa Cấp cứu và Chống độc. Tại đây, bệnh nhi ngay lập tức được cho thở máy, cắt cơn co giật và điều trị tăng áp lực nội sọ. Các bác sĩ đã tối ưu hóa tất cả các cơ quan hô hấp, tuần hoàn cho trẻ bằng cách sử dụng thuốc trợ tim, vận mạch, kiểm soát rối loạn điện giải, sốt, nhiễm trùng.

Trẻ cai được máy thở, dấu hiệu sinh tồn ổn định sau 7 ngày điều trị. Dù vậy, trẻ vẫn còn di chứng tăng trương lực cơ, giảm ý thức, nguy cơ cao sẽ để lại di chứng thần kinh lâu dài, gây ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển não bộ, tương tác xã hội

Liên quan đến hội chứng rung lắc, Bác sĩ Ngô Tiến Đông – Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đây là một chấn thương não nghiêm trọng xảy ra ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ khi bị rung lắc mạnh. Hội chứng này xảy ra phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, đặc biệt trong giai đoạn từ 2 – 4 tháng tuổi bởi đó là thời điểm trẻ có xu hướng quấy khóc thường xuyên và kéo dài, tuy nhiên trẻ dưới 5 tuổi cũng có thể bị ảnh hưởng.

Theo bác sĩ Đông, nguyên nhân dẫn đến hội chứng này là do người lớn khi bế trẻ em thường có thói quen rung lắc, nhằm mục đích dỗ để trẻ bớt quấy khóc. Thói quen đưa võng, lắc nôi ru trẻ khi ngủ hoặc những động tác làm thay đổi đột ngột tư thế (bế trẻ lên cao, bế thốc dậy, tung cao trẻ...) dù chỉ diễn ra trong 5 giây cũng có thể khiến trẻ gặp nguy hiểm.

Ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, trọng lượng đầu chiếm khoảng 10 – 15% trọng lượng cơ thể. Trong độ tuổi này, cơ cổ của trẻ rất yếu không đủ sức nâng đỡ đầu vốn có kích thước tương đối lớn, thêm vào đó não bộ chưa phát triển nhiều, nằm 'trôi nổi' trong môi trường dịch não tủy bao bọc xung quanh. Việc rung lắc mạnh sẽ gây ra sự tăng – giảm tốc nhanh chóng của não, tác động va đập vào bề mặt cứng bên trong hộp sọ, làm tổn thương não và các mạch máu não, phù não và tăng áp lực nội sọ.

Hội chứng rung lắc có biểu hiện rất đa dạng và thường khó phát hiện, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Thời gian khởi phát bệnh có thể là ngay sau khi rung lắc hoặc sau một khoảng thời gian. Trẻ thường có các triệu chứng như: quấy khóc, nôn nhiều, bú kém, nhịp thở bất thường, lì bì, co giật hoặc hôn mê. Ở một số trường hợp, hội chứng rung lắc nhẹ trẻ có thể không biểu hiện triệu chứng ngay, tuy nhiên sau đó một thời gian có thể gặp phải những vấn đề liên quan đến chậm phát triển tinh thần vận động.

Qua trường hợp bệnh nhi trên, bác sĩ Đông khuyến cáo người lớn tuyệt đối không thực hiện những động tác xoay chuyển đầu trẻ một cách đột ngột khi chăm sóc và bế trẻ. Nếu thấy trẻ xuất hiện những dấu hiệu nghi ngờ tổn thương não do hội chứng rung lắc, phụ huynh cần nhanh chóng gọi xe cứu thương đến bệnh viện gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời; đồng thời hạn chế bế xốc hay rung lắc thêm để gọi trẻ tỉnh lại, không cho trẻ ăn hoặc uống nước trước khi có cấp cứu hỗ trợ.

Trong trường hợp trẻ ngừng thở, phụ huynh cần chủ động thực hiện hô hấp nhân tạo. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị nôn trớ, do đó người lớn cần nhẹ nhàng đặt nghiêng đầu và người trẻ theo một trục đồng nhất (nếu có chấn thương cột sống, phương pháp này sẽ giúp giảm nguy cơ tổn thương thêm) để tránh bị sặc.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại