Thứ ba, 05/11/2024 | 16:58
RSS

Bầu cử Mỹ 2024 tiến hành như thế nào, các đại cử tri là ai, vì sao kết quả có thể không công bố ngay?

Thứ ba, 05/11/2024, 16:58 (GMT+7)

Trên thực tế, cử tri Mỹ không bỏ phiếu trực tiếp cho những ứng viên tổng thống mà bỏ phiếu cho 538 đại cử tri – nhóm này được gọi là đại cử tri đoàn (Electoral College). Những người này sẽ thay mặt cử tri bỏ phiếu cho các ứng cử viên. Để đắc cử tổng thống, một ứng viên phải nhận được ít nhất 270 phiếu bầu.

Các nhân viên bầu cử mở phong bì và phân loại phiếu bầu tại Trung tâm kiểm phiếu và bầu cử của Quận Maricopa ở Phoenix vào ngày 23/10. Ảnh Getty

Sáng 5/11 giờ địa phương (chiều tối cùng ngày theo giờ Việt Nam), cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60 tại Mỹ chính thức bắt đầu với các điểm bỏ phiếu ở các bang New York, New Jersey và Virginia mở cửa đón cử tri đến bỏ phiếu bầu tổng thống thứ 47 của nước Mỹ, cũng như hai viện của Quốc hội khóa 119 và thống đốc các bang. 

Để bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống, cử tri phải là công dân Mỹ, đủ 18 tuổi vào hoặc trước ngày bầu cử và đáp ứng các yêu cầu về cư trú tùy theo từng bang.

Bầu cử tổng thống Mỹ được tiến hành như thế nào?

Bầu cử tổng thống Mỹ được thực hiện theo phương thức phổ thông đầu phiếu gián tiếp với một vòng. Cử tri đánh dấu trên lá phiếu hoặc trên máy bỏ phiếu ứng viên họ chọn (cùng với người đứng liên danh). Họ có thể lựa chọn giữa Donald Trump và Kamala Harris, cũng như các ứng cử viên khác như ứng viên đảng Xanh, Jill Stein, hay ứng viên độc lập Robert Kennedy Jr., ủng hộ Donald Trump.

Tuy nhiên, trên thực tế, cử tri Mỹ không bỏ phiếu trực tiếp cho những người này mà bỏ phiếu cho 538 đại cử tri – nhóm này được gọi là đại cử tri đoàn (Electoral College). Những người này sẽ thay mặt cử tri bỏ phiếu cho các ứng cử viên. Để đắc cử tổng thống, một ứng viên phải nhận được ít nhất 270 phiếu bầu.

Những đại cử tri này là ai ?

Số lượng đại cử tri tại mỗi bang tương ứng với số lượng đại diện của bang đó trong Quốc Hội: 100 thượng nghị sĩ – 2 thượng nghị sĩ mỗi bang và 435 hạ nghị sĩ, phân bổ theo dân số của từng bang. Do vậy, sẽ có tổng cộng 535 đại cử tri, với thêm 3 đại cử tri của Washington D.C., vốn không có đại diện trong Quốc Hội.

Như vậy, bầu cử Mỹ 2024 bang đông dân nhất là California, với 54 đại cử tri. Các bang ít dân nhất là Alaska, Delaware và Vermont, có 3 đại cử tri ở mỗi bang. Những con số này có thể thay đổi tùy theo kết quả điều tra dân số.

Việc đề cử đại cử tri phụ thuộc vào quy định của từng bang. Họ thường là những dân biểu địa phương hoặc những ủng hộ viên được các đảng lựa chọn.

Bầu cử tổng thống Mỹ hoạt động theo nguyên tắc "The Winner Takes It All" (Người chiến thắng giành tất cả), tức là ứng cử viên nào nhận được đa số phiếu ở một bang sẽ giành được tất cả các đại cử tri được phân bổ ở bang đó. Các bang Nebraska và Maine là những trường hợp ngoại lệ vì các đại cử tri được phân bổ ở đó theo cơ chế đại diện tỷ lệ.

Chính do hệ thống này mà một ứng cử viên có thể giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng mà không cần có nhiều phiếu bầu phổ thông hơn đối thủ.

Người Mỹ bỏ phiếu như thế nào ?

Trên thực tế, ngày 5/11 là ngày cuối cùng cử tri có thể bỏ phiếu. Ở 47 bang, nhiều cử tri đã tiến hành bỏ phiếu từ trước. Do vậy, nhiều điểm bỏ phiếu đã mở cửa tùy theo từng khu vực. Giải pháp này mang lại sự linh hoạt cho quá trình bầu cử, bởi hạn chót của kỳ bầu cử luôn được cố định vào ngày thứ Ba. 

Ngoài ra, cử tri cũng có thể bỏ phiếu từ xa, tức là gửi phiếu bầu qua đường bưu điện thay vì đích thân đến phòng phiếu, và mỗi bang có quy định riêng về phương thức bỏ phiếu từ xa.

Vào năm 2020, khi nước Mỹ bị xáo trộn bởi đại dịch covid-19 phe Donald Trump đã đả kích gay gắt phương thức bỏ phiếu qua đường bưu điện, cho rằng "gian lận bầu cử" bắt nguồn từ những lá phiếu này.

Trong ngày bầu cử, thời gian mở cửa và đóng cửa các địa điểm bỏ phiếu phụ thuộc vào từng bang, thậm chí là từng thành phố và hạt, tuy nhiên sẽ kéo dài ít nhất là 12 giờ.

Ở những bang có hai múi giờ khác nhau, việc kiểm phiếu chỉ được thực hiện khi điểm bầu cử cuối cùng đóng cửa. Hầu hết các bang cho phép cử tri bắt đầu bỏ phiếu vào lúc 6h sáng, thậm chí ở Vermont, người dân có thể bỏ phiếu từ 5h sáng. Phiếu bầu được kiểm ở mỗi bang sau khi các điểm bỏ phiếu tương ứng đóng cửa.

Thời gian đóng cửa điểm bỏ phiếu khác nhau tùy theo từng bang nhưng thường bắt đầu từ khoảng 7h tối (giờ địa phương). Do các múi giờ trải rộng trên khắp nước Mỹ nên khi ở bờ Đông bắt đầu kiểm phiếu thì cử tri ở các bang như Alaska và Hawaii vẫn đang trên đường đến các điểm bỏ phiếu.

Tại sao những bang "dao động" lại quan trọng đến vậy ?

Từ nhiều tuần qua, mọi sự chú ý đều đổ dồn về những bang "dao động", những bang then chốt hay còn gọi là những bang "màu tím", bởi chúng có thể trở thành màu đỏ, tức là ngả về đảng Cộng Hòa, hoặc trở thành màu xanh nước biển, màu của đảng Dân Chủ.

Trong cuộc bầu cử lần này, kết quả một số bang có thể đã được định đoạt. Chẳng hạn như bang California có truyền thống bầu cho đảng Dân Chủ, trong khi bang Texas thường bầu cho đảng Cộng Hòa. Kết quả tại những bang còn lại sẽ sít sao hơn rất nhiều và luôn có thể thay đổi màu sắc.

Nếu nhìn vào các bang mà gần như mọi chuyện đã ngã ngũ, theo trang web Fivethirtyeight, chuyên tổng hợp các cuộc thăm dò quan trọng tại Mỹ, bà Kamala Harris có thể trông chờ vào 183 đại cử tri gần như chắc chắn bầu cho bà cùng với 44 đại cử tri nhiều khả năng sẽ ngả về ứng viên Dân Chủ. Con số này đối với ông Donald Trump lần lượt là 122 và 95. Trong trường hợp nói trên, cả hai ứng viên đều chưa đạt được 270 đại cử tri để chiến thắng. Vì vậy, họ cần phải chinh phục những bang khác vốn không phải là thành trì của mình.

Năm nay, có bảy bang được coi là "dao động": Arizona, North Carolina, Georgia, Michigan, Nevada, Pennsylvania và Wisconsin, với tổng số 93 đại cử tri rất quý giá.

Vì vậy, chiến dịch tranh cử của hai ứng cử viên chính tập trung chủ yếu vào những bang này. Theo một nghiên cứu của trung tâm phân tích ADImpact, công bố vào cuối tháng 08/2024, các đảng đã chi gần 589 triệu đô la tiền quảng cáo ở những bang "dao động", trong khoảng thời gian từ cuối tháng 3 đến tháng 8. Năm 2020, Joe Biden chỉ được tuyên bố đắc cử tổng thống sau khi kết quả ở Pennsylvania được công bố.

Tại sao kết quả có thể không được công bố ngay lập tức?

Việc kiểm phiếu bắt đầu ngay sau khi cuộc bầu cử kết thúc. Như vậy, mọi chuyện có thể ngã ngũ ngay trong đêm bỏ phiếu. Tuy nhiên, vào năm 2020, phải mất hơn ba ngày, các phương tiện truyền thông lớn của Mỹ mới công bố chiến thắng của Joe Biden.

Phương thức bỏ phiếu qua đường bưu điện cũng làm chậm đáng kể quá trình kiểm phiếu. Theo báo New York Times, quá trình này mất nhiều thời gian hơn do có nhiều thủ tục phải chấp hành. Đầu tiên là nhà chức trách phải thực hiện những biện pháp kiểm tra bổ sung để bảo đảm là cử tri chưa đi bỏ phiếu trực tiếp.

Sau đó, những người kiểm phiếu phải mở phong bì và làm phẳng phiếu (vì chúng được gấp lại) trước khi cho vào máy kiểm phiếu để đếm. Một số cán bộ đã kêu gọi cho mở và làm phẳng phiếu từ trước, nhưng việc này chưa được thông qua.

Theo New York Times, việc kiểm phiếu lần này sẽ nhanh hơn so với năm 2020 vì có ít cử tri bỏ phiếu qua đường bưu điện hơn, đi kèm với việc các phòng phiếu đã rút ra nhiều kinh nghiệm.

Trong cuộc bầu cử tổng thống 2020, Donald Trump đã chỉ trích phương thức bỏ phiếu qua đường bưu điện vì kết quả ban đầu cho thấy ông dẫn đầu ở một số quận thuộc bang "dao động", nhưng kết quả chung cuộc bị đảo lộn sau khi tất cả các phiếu bầu được kiểm, khiến nhà tỷ phú tố cáo gian lận. Đối với báo chí Mỹ, đây chỉ là điều mà đảng Dân Chủ gọi là "phép màu đỏ", tức là có nhiều cử tri Dân Chủ chọn giải pháp bỏ phiếu từ xa hơn cử tri Cộng Hòa, dẫn đến việc phiếu bầu của đảng Dân Chủ được bổ sung muộn.

Ngoài ra, người dân sống ở các thành phố lớn chủ yếu bỏ phiếu cho đảng Dân Chủ, và kết quả tại những phòng phiếu ở đó thường được công bố sau cùng do số lượng phiếu bầu quá lớn.

Cuộc bỏ phiếu được chứng nhận như thế nào ?

Tuy nhiên, sau khi kết quả cuối cùng được thông báo trên báo chí, vẫn còn những bước cần thực hiện. 3.000 quận trên toàn quốc có thời hạn đến ngày 11/12 để đưa ra kết quả chính thức cho bang chứng nhận. Khoảng thời gian này cho phép giải quyết các tranh chấp (nếu có), cũng như phản đối kết quả.

Ngày 17/12, các đại cử tri chính thức có mặt tại thủ phủ những bang họ đại diện để bỏ phiếu bầu tổng thống và phó tổng thống. Washington phải nhận được kết quả trước ngày lễ Giáng Sinh.

Ngày 06/01/2025, trong phiên họp của Quốc Hội lưỡng viện, những lá phiếu đó sẽ chính thức được kiểm và chủ tịch Thượng Viện có thể công bố kết quả bầu cử. Chính vào ngày này, cách đây 4 năm, những người ủng hộ Donald Trump đã xông vào điện Capitol, khiến một số kẻ nổi loạn và cảnh sát thiệt mạng.

Phải đến ngày 20/01/2025, nước Mỹ mới có tổng thống mới. Vào hôm đó, Inauguration Day (Ngày nhậm chức), tân tổng thống sẽ chính thức bước vào Nhà Trắng.

PV (tổng hợp)
Theo Dân Việt