Một thường dân Ukraine đi qua khu dân cư bị tàn phá ở Izyum
“Hiện tại, lực lượng vũ trang Ukraine đang ngăn chặn một trong những cuộc tấn công mạnh mẽ nhất của Nga kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào năm 2022”, tướng Aleksandr Syrsky - Tư lệnh cấp cao của lực lượng vũ trang Ukraine, viết trên Telegram.
Ông Syrsky nhấn mạnh thêm rằng, các đơn vị Ukraine đang “liên tục có nhu cầu bổ sung nguồn lực trên chiến trường”.
Những bình luận trên được tướng Ukraine đưa ra vào hôm 2/11 ngay sau cuộc họp với phái đoàn quân sự từ Cộng hòa Séc do Tổng tham mưu trưởng Quân đội, Trung tướng Karel Rehka dẫn đầu.
Vị chỉ huy Ukraine ca ngợi Prague là “đồng minh trung thành” của Kiev, và chia sẻ mối lo ngại của mình về tình hình ngày càng xấu đi trên chiến trường.
Các quan chức ở Kiev từ lâu đã phàn nàn rằng, sự chậm trễ trong việc vận chuyển vũ khí của phương Tây, cũng như việc hạn chế sử dụng một số loại vũ khí tầm xa để tấn công sâu trong lãnh thổ Nga, đã góp phần gây ra những tổn thất gần đây ở Donbass và những nơi khác.
Việc quân đội Ukraine tiến hành một cuộc tấn công xâm nhập Vùng Kursk của Nga vào đầu tháng 8/2024 đã không làm chậm đáng kể bước tiến của quân đội Nga ở các khu vực khác.
Quân đội Nga đã liên tục giành được nhiều vùng đất hơn trong những tháng gần đây, đáng kể nhất là các binh sĩ đã kiểm soát được thị trấn khai thác mỏ kiên cố Ugledar vào tháng 10.
Trong một diễn biến liên quan, trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tuần tới, người dân Ukraine được cho là ngày càng lo lắng về tác động của cuộc bầu cử đối với quân đội và viện trợ tài chính của Washington.
Nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng, Kiev sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn vì sự hỗ trợ của Mỹ đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến của Ukraine với Nga, và tương lai của sự hỗ trợ đó là không chắc chắn nếu Tổng thống Joe Biden rời nhiệm sở.
Đưa tin từ chiến trường Zaporozhye, một thành phố của Nga gần tiền tuyến, đài BBC của Anh đã mô tả mối quan tâm của cả quân nhân và dân thường về cuộc bỏ phiếu sắp tới.
“Một số người Ukraine công khai ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ vì họ tin rằng, bà Harris sẽ tiếp tục cung cấp sự ủng hộ mạnh mẽ nếu bà giành chiến thắng”, một phóng viên của BBC nói.
Những người khác thận trọng lạc quan về cựu Tổng thống Donald Trump, người đã cam kết đàm phán để chấm dứt xung đột, nhưng cũng chỉ ra rằng, Ukraine có thể cần phải nhượng lại một số vùng đất mà họ tuyên bố là hòa bình.
Báo cáo của BBC nhấn mạnh thực tế chiến trường ảm đạm mà Ukraine hiện đang phải đối mặt.
Với sự ủng hộ của phương Tây đang dao động, cuộc bầu cử sắp tới của Mỹ đã khiến Ukraine rơi vào tình thế bấp bênh khi cuộc chiến vẫn tiếp diễn, đài truyền hình BBC kết luận.