Thứ năm, 28/03/2024 | 23:50
RSS

Bất lực trước triều cường!

Thứ bảy, 14/11/2020, 07:49 (GMT+7)

Tại Quảng Nam cùng với sạt lở đất, lũ từ thượng nguồn đổ về thì triều cường là nỗi lo lớn của chính quyền cùng người dân. Nhiều phương án được triển khai, tiền nghìn tỷ được bỏ ra. Thế nhưng biển vẫn lấn sâu vào đất liền, nhà cửa đất đai của người dân cũng trôi theo sóng nước.

Bất lực trước triều cường!
Bờ biển Cửa Đại bị sóng đánh tan tành.

Sáng ngày 11/11 chúng tôi trở lại bờ biển Cửa Đại, dưới những cơn mưa tầm tã do ảnh hưởng của cơn bão số 12, triều cường nơi rất hung dữ. Những cơn sóng cao tới vài mét liên tục tấn công bờ biển này.

Nhiều hàng quán bị sóng biển đánh tan tành. Bờ biển có nơi sạt lở ăn sâu vào đất liền từ gần 5 mét, tạo thành vách đứng cao nhưng nguy hiểm nhất là sạt lở đã tạo hàm ếch dưới móng các công trình xây dựng.

Cùng với cây cối như dương liễu, dừa thì nhiều bờ kè, công trình bị sóng đánh trôi xuống biển. Hệ thống kè mềm bằng bao cát cũng bị sóng biển đánh tả tơi.

Ông Nguyễn Công Thuận, người dân phường Cửa Đại cho hay: “Triều cường quá hung dữ tấn công ăn sâu vào đất liền. Dù chính quyền địa phương đã triển khai nhiều phương án bảo vệ bờ biển nhằm ngăn chặn tình trạng sạt lở, nhưng làm sao để chống lại được thiên tai. Nhà cửa, hàng quán, đất đai cúng cho Hà Bá thấy mà đau lòng”.

Không chỉ có bờ biển Cửa Đại mà ở Cửa Lở thuộc thôn Bình Trung, xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành hàng năm cũng luôn bị triều cường tấn công. Cửa Lở vẫn cứ lở, vườn tược, đất đai, nhà cửa của người dân ngày càng thu hẹp. Nhiều người đành bỏ xứ ra đi.

Một người dân địa phương cho biết, thôn Bình Trung trước đây rất đông dân cư, nhưng nay nhiều gia đình đã chuyển đến địa điểm khác để lại những ngôi nhà hoang.

Ông Hà Văn Mai, trú thôn Bình Trung cho biết, trước biển cách nơi này hàng trăm mét, thế mà giờ đây biển đã lấn vào sát nhà dân.

Trước mắt chúng tôi, bờ biển xói lở ăn sâu vào đất liền, những cây dừa, dương liễu ngã đổ ngổn ngang, lớp trước, lớp sau, cùng với đó là những ngôi nhà hoang vắng mà người dân bỏ lại, nhiều chòi canh giữ nuôi tôm của một hộ dân bị sóng biển đánh tan nát.

Quảng Nam không chỉ có Cửa Đại, Cửa Lở mà còn nhiều nơi khác bị triều cường tấn công. Như kè An Lương thuộc xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên; kè biển Tam Thanh, bãi biển Thịnh Mỹ phường Cẩm An… cứ thế dọc ven biển năm nào cũng bị triều cường uy hiếp.

Để củng cố bảo vệ và nâng cấp đê biển, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg về phê duyệt chương trình đầu tư củng cố bảo vệ và nâng cấp đê biển, trong đó Quảng Nam có đến 20 tuyến đê cần được nâng cấp, bảo vệ, với tổng chiều dài là 82 km.

Những năm qua Quảng Nam đã thực hiện nâng cấp, bảo vệ nhiều tuyến đê, qua đó đã có những kết quả thiết thực phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống thiên tai.

Về nỗi lo triều cường tấn công bờ biển Cửa Đại, Cửa Lở và làng mạc ven biển, Quảng Nam đã tổ chức rất nhiều hội thảo nhằm tìm các giải pháp kỹ thuật để cứu các bãi biển này. Cùng với đó là những khoản tiền nghìn tỉ đồng đổ ra cho những dự án như xây kè, nạo vét cứu bờ biển. Thế nhưng năm nào bờ biển vẫn cứ bị sóng đánh cho tơi tả.

Rõ ràng triều cường quá hung dữ dù con người đã rất nỗ lực. Không biết đến khi nào mới trị thủy được để bình yên cho các bờ biển Quảng Nam, còn hiện tại người dân nhìn thấy nhà cửa, đất đai, vườn tược bị sóng cuốn xuống biển nhưng đành bất lực.        

Trong 2 ngày 10 và 11/11, mưa to trút xuống đô thị cổ Hội An, kết hợp với việc thủy điện xả lũ từ thượng nguồn, mực nước trên sông Thu Bồn liên tục dâng cao và gây ngập lụt nhiều khu vực thấp trũng, ven sông. Nhiều tuyến đường ở khu vực trung tâm phố cổ Hội An bị ngập nước nặng. Đặc biệt, đường Bạch Đằng nằm dọc bờ sông Hoài, nước lên hơn 1 m. Các tuyến đường như Nguyễn Thái Học, Lê Lợi, Hoàng Văn Thụ nhiều nơi bị ngập từ 60-70 cm. Người dân Hội An cho biết, từ đầu năm đến nay đã phải hứng chịu 7 đợt lũ.

TẤN THÀNH
Theo Đại Đoàn kết