Ngoài ra, bão số 13 còn khiến 6 ngôi nhà bị sập; bão số 13 cũng làm 17 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng tại nơi neo đậu. Về thủy lợi, 540m kè bị hư hỏng, 38,95km bờ sông, bờ biển tiếp tục bị sạt lở.
Hiện các địa phương đang tiếp tục thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại do bão số 13 gây ra, đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ sau bão. Cùng với đó, triển khai các phương án sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị ứng phó với thiên tai đặc biệt là mưa lũ sau bão, lũ quét, sạt lở đất khi xảy ra.
Kiểm tra, rà soát đảm bảo an toàn hồ chứa, nhất là các hồ chứa xung yếu, đã đầy nước; tiếp tục giám sát việc vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn công trình và chủ động cắt lũ cho hạ du. Huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, ổn định đời sống
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều 15/11, sau khi đổ bộ đất liền các tỉnh Hà Tĩnh- Quảng Bình, bão số 13 đã suy yếu thành một áp thấp nhiệt đới. Lúc 19h, hình thái này tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp di chuyển lên khu vực biên giới Việt Nam - Lào.
Sau khi bão số 13 quét qua, ảnh hưởng của nhiễu động gió đông trên cao tiếp tục gây mưa lớn cho các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh từ nay đến chiều 16/11. Mưa cũng mở rộng ra đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Nghệ An với lượng dao động 50-100 mm, có nơi trên 120 mm.