Sáng 13/11, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bão Vamco duy trì sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 15 suốt một ngày qua. Lúc 4h, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa 450 km về phía đông đông nam. Các khu vực nằm trong bán kính 250 km tính từ tâm bão có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên. Những nơi cách tâm bão 90 km sẽ hứng chịu gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 trở lên.
Hiện, vùng biển phía nam khu vực bắc Biển Đông và phía bắc khu vực giữa biển Đông có mưa bão. Gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão cấp 11-12, giật cấp 15. Sóng biển cao 4-6 m, vùng gần tâm bão 8-10 m, biển động dữ dội.
Trong những giờ tới, vùng nguy hiểm trên Biển Đông từ vĩ tuyến 13 đến 18 độ vĩ bắc và từ kinh tuyến 110 đến 118,5 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Ngày và đêm nay, bão đi theo hướng tây, vận tốc 15-20 km/h. Rạng sáng 14/11, tâm bão nằm trên vùng biển phía nam của quần đảo Hoàng Sa. Cường độ không đổi so với những giờ trước, mạnh cấp 12, giật cấp 15.
Sau đó, bão giữ nguyên vận tốc nhưng đổi hướng, đi hơi chếch lên phía bắc. 4h sáng 15/11, tâm bão nằm ngay trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Lúc này, bão có dấu hiệu suy yếu dần khi sức gió mạnh nhất ở cấp 9-10, giật cấp 13.
Cơ quan khí tượng dự báo ngày 15/11, bão đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế với vận tốc 15 km/h và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, rồi thành vùng áp thấp. Rạng sáng 16/11, trung tâm vùng áp thấp nằm trên khu vực trung Lào.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ảnh hưởng của hoàn lưu bão có thể gây một đợt mưa lớn cho khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên. Lượng mưa phổ biến 100-250 mm. Riêng các tỉnh từ Quảng Trị đến phía bắc Quảng Ngãi hứng chịu đợt mưa 250-350 mm.
Dự báo đường đi của bão số 13. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia
Trước diễn biến phức tạp của bão số 13, ngày 12/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện gửi các bộ, ngành và địa phương về việc tập trung ứng phó với bão. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao, sẵn sàng lực lượng phương tiện, chủ động tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để chỉ đạo, triển khai kịp thời công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ".
Các địa phương từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiếp tục rà soát, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển, rà soát phương án, kiên quyết sơ tán người trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản và trên tàu thuyền trước khi bão đổ bộ vào để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Bên cạnh đó, chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo vệ nhà cửa, trụ sở, trường học, kho tàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, các cột, tháp cao, cây xanh,... để hạn chế rủi ro và thiệt hại do bão. Rà soát phương án, chủ động sơ tán người dân khỏi các nhà không an toàn, khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ chịu tác động của sóng lớn, nước dâng, khu vực ngập sâu, sạt lở, lũ ống, lũ quét.
Ngoài ra, triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, nhất là các tuyến đê, kè biển đang thi công, khu vực sạt lở có nguy cơ cao ảnh hưởng đến an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng; sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời sự cố. Tổ chức vận hành an toàn, hiệu quả các hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo quy trình, đối với các hồ đập xung yếu cần chủ động hạ thấp mực nước để đảm bảo an toàn.