Theo TTXVN, sáng 12/11, tại cuộc họp ứng phó với bão số 13 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, 7 giờ ngày 12/11, bão VAMCO đã đi vào Biển Đông với cường độ cấp 12, giật 15, trở thành cơn bão số 13 của năm 2020.
Dự báo, bão số 13 di chuyển chủ yếu hướng Tây trong 1 - 2 ngày tới. Tuy vậy, theo ông Mai Văn Khiêm, còn nhiều yếu tố ảnh hưởng tới hướng đi của bão số 13, các mô hình dự báo của quốc tế và Việt Nam không có sự thống nhất cao, có mô hình dự báo bão hướng lên phía Bắc, có mô hình dự báo bão hướng vào Trung Trung Bộ...
Theo phân tích của Việt Nam, trong 2 - 3 ngày tới, các hình thái thời tiết khác nhau sẽ khiến cơn bão 13 di chuyển lên phía Tây Bắc, đi vào phía Bắc của Trung Trung Bộ. Đồng thời, do nhiệt độ vùng gần bờ biển Việt Nam thấp hơn nhiệt độ toàn vùng Biển Đông sẽ làm bão duy trì ở cấp 11 - 12, khi vào gần bờ cấp độ sẽ giảm bớt.
Ông Mai Văn Khiêm đưa ra 3 kịch bản về diễn biến cũng như hướng đổ bộ của bão số 13. Theo đó, kịch bản 1 có khả năng xảy ra lớn nhất (xác suất 70 - 80%), bão đổ bộ vào khu vực Trung Trung Bộ. Thời gian bắt đầu ảnh hưởng trên đất liền khoảng từ đêm 13/11. Cấp gió mạnh nhất trên biển đạt cấp 12; khi vào vùng biển ven bờ giảm 2 - 3 cấp. Từ đêm 13/11 đến ngày 15/11, khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên có mưa lớn, lượng mưa phổ biến khoảng 100 - 250 mm, riêng Quảng Trị đến Quảng Ngãi lượng mưa có thể lên đến 350 mm.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết có hai cơn bão mới vào Biển Đông phải tiến hành họp, ban hành công điện ngay là cơn bão số 9 và cơn bão số 13.
Cơn bão 13 dù cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 780 km nhưng tốc độ gió rất lớn. Hình thái chi phối của cơn bão số 13 là áp cao nhiệt đới hoạt động yếu dẫn nên nhiều nhân tố phụ chi phối đường đi của cơn bão này. Do đó, dù cơn bão đã vào Biển Đông mà các cơ quan dự báo đều đưa ra dự báo khác nhau.
Từ đặc điểm trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh công tác dự báo phải thật sát, đồng thời chiến lược ứng phó phải thay đổi cho thích ứng. Ông Cường đánh giá năm nay là năm dị thường về khí hậu, có thực tiễn nữa là cơn bão Hải Yến xảy ra tháng 11/2013, làm thiệt hại ở nước ta 20 người, Philippines 8.000 người, hơn 3.000 ngôi nhà đổ hoàn toàn.
“Bão số 13 cũng có đường đi y hệt bão Hải Yến, xuất phát điểm cũng như vậy, khi vào Biển Đông lượn lờ, hướng đi khó đoán định. Cơn bão này hoàn toàn không thể chủ quan” – ông Cường cho biết.