Chủ nhật, 13/10/2024 | 07:21
RSS

Bão số 10 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 330km về phía Đông Nam

Thứ tư, 04/11/2020, 07:19 (GMT+7)

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lưu ý các nguy hiểm từ gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-12 và sóng biển cao 4-6 m ở trong khu vực nguy hiểm do bão số

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 01 giờ ngày 04/11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,7 độ Vĩ Bắc; 114,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 330km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 140km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 01 giờ ngày 05/11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,0 độ Vĩ Bắc; 111,5 độ Kinh Đông, cách Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 250km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,0 đến 16,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 116,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Đến 01 giờ ngày 06/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 13,4 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. 

Bão số 10 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 330km về phía Đông Nam
Bão số 10 đang hướng thẳng vào đất liền. Ảnh: KTTV TW

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực miền Đông của Campuchia.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lưu ý trên PLO rằng các nguy hiểm từ gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-12 và sóng biển cao 4-6 m ở trong khu vực nguy hiểm do bão số 10. Cùng với đó, do đặc điểm của bão số 10 là vùng mây đối lưu lệch về phía tây nên khả năng hiện tượng mưa giông, lốc và gió giật mạnh sẽ xảy ra ở vùng ven biển và đất liền. Điều này rất nguy hiểm đối với các hoạt động tàu thuyền và các lồng bè nuôi trồng thủy sản ven bờ.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10 kết hợp với không khí lạnh, từ ngày 4 đến 6-11, ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 250-350 mm/đợt. Các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Phú Yên có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 150-250 mm/đợt. Từ ngày 5 đến 7-11 ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200 mm/đợt. Mưa lớn sẽ gây nguy cơ rất cao xảy ra lũ trên sông, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế tới Phú Yên.

“Vì đây là cơn bão cấp 8-9 nên cường độ và hướng di chuyển của nó sẽ chịu sự chi phối của hệ thống ngoại lực là chính, nó có thể thay đổi tính chất rất nhanh. Đối với bão cấp 8-9 và áp thấp nhiệt đới thì các cơ quan khí tượng trên thế giới đánh giá tính bất định về cường độ và quỹ đạo của nó lớn hơn nhiều các cơn bão mạnh và rất mạnh như cơn bão số 9 vừa rồi. Vì vậy bà con cần theo dõi, cập nhật thường xuyên bản tin dự báo để có giải pháp ứng phó tốt nhất” - ông Khiêm lưu ý.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN