Thứ bảy, 18/01/2025 | 20:00
RSS

Báo Mỹ phân tích chiến thuật của HLV Park Hang Seo ở tuyển Việt Nam

Thứ bảy, 23/10/2021, 16:59 (GMT+7)

“Từ trận giao hữu của U22 Việt Nam, nhiều khả năng trong ít ngày tới, tuyển Việt Nam sẽ rất khó thay đổi cách tiếp cận chiến thuật, ít nhất là từ yếu tố bố trí nhân sự" - trang Remo News của Mỹ viết.

Cách đây ít ngày, đội U22 Việt Nam đã dễ dàng đánh bại U22 Kyrgistan 3-0 trong trận giao hữu cuối cùng chuẩn bị cho vòng loại giải U23 châu Á 2022.

Trang Remo News của Mỹ cũng dành một bài viết nói về trận đấu này với tiêu đề: "HLV Park Hang Seo bị dội gáo nước lạnh vì nỗ lực "làm cuộc cách mạng"”. Tờ báo này phân tích: "HLV Park Hang Seo gặp rất nhiều áp lực trong thời gian gần đây, khi thành tích của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022 là không tốt.

Nhiều chỉ trích đã dành cho nhà cầm quân người Hàn Quốc, cho rằng ông bảo thủ và không mang lại sự thay đổi về nhân sự và lối chơi ở đội tuyển Việt Nam.

Có lẽ cũng vì lý do này mà ông Park đã quyết định thử nghiệm sơ đồ hoàn toàn mới ở đội U22 mà ông đang dẫn dắt, đó là sơ đồ 4-2-3-1. Bối cảnh thử nghiệm là trận giao hữu gặp U22 Kyrgyzstan vào tối 17/10.

Tuy nhiên, trong hiệp 1, các cầu thủ trẻ Việt Nam không tạo ra những tình huống nguy hiểm về phía khung thành U22 Kyrgyzstan dù kiểm soát tốt thế trận. Thậm chí, nếu không có sự xuất sắc của thủ môn Quan Văn Chuẩn thì đội bóng của ông Park có thể đã phải nhận bàn thua. Bàn thắng đầu tiên của Việt Nam cũng chỉ đến sau khi một cầu thủ của Kyrgyzstan phạm lỗi trong vòng cấm.

Sang hiệp 2, HLV Park thay một loạt cầu thủ vào sân và chuyển sang chơi với sơ đồ 5-3-2. Kể từ thời điểm này, U22 Việt Nam mới thi đấu nhịp nhàng hơn để nghi thêm 2 bàn thắng nữa.

Việc thử nghiệm thất bại ở sơ đồ chiến thuật mới, một lần nữa cho thấy tại sao HLV Park từ trước tới nay thường trung thành với sơ đồ 5-3-2. Các nhân sự được chọn cũng phải nhằm để tối ưu hệ thống chiến thuật này.

Từ trận giao hữu của U22 Việt Nam, nhiều khả năng trong ít ngày tới, tuyển Việt Nam sẽ rất khó thay đổi cách tiếp cận chiến thuật, ít nhất là từ yếu tố bố trí nhân sự" - trang Remo News viết.

Báo Mỹ phân tích chiến thuật của HLV Park Hang Seo ở tuyển Việt Nam
U22 Việt Nam tích cực chuẩn bị cho giải châu Á

Chiều 22-10 (giờ địa phương), đội tuyển U22 Việt Nam đã có buổi tập thứ hai tại Kyrgyzstan nhằm chuẩn bị cho trận mở màn với Đài Loan ở bảng I vòng loại Giải U23 châu Á 2022 diễn ra vào ngày 27-10 tới.

So với những ngày đầu mới sang, thời tiết tại Bishkek (Kyrgyzstan) thay đổi khá rõ rệt trong ngày 22-10. Sáng sớm, tuyết rơi nhẹ và sau đó thì trời chuyển mưa nhỏ. Buổi chiều, trời vẫn lác đác mưa nhưng không ảnh hưởng đến kế hoạch của tập luyện của đội tuyển U23 Việt Nam. 

Ở buổi tập kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ này, HLV Park Hang Seo chủ yếu cho các học trò tập bài phối hợp tấn công và dứt điểm cầu môn. Chiến lược gia người Hàn Quốc tỏ ra khá nghiêm khắc, đưa ra những yêu cầu rất cao khiến các cầu thủ chuyên tâm vào bài tập mà không dám có chút sao nhãng. 

U22 Việt Nam sẽ nằm cùng bảng I với Myanmar, Hong Kong (Trung Quốc) và chủ nhà Đài Bắc Trung Hoa tại vòng loại U23 châu Á 2022. Đây được xem là bảng đấu “dễ thở” cho thầy trò HLV Park Hang Seo

Theo lịch thi đấu, U22 Việt Nam sẽ gặp đội chủ nhà U22 Đài Bắc Trung Hoa ở lượt trận ra quân vào ngày 27/10. Sau đó, U22 Việt Nam sẽ gặp U22 Hong Kong (Trung Quốc) vào ngày 29/10. Tới lượt trận cuối, U22 Việt Nam sẽ gặp U22 Myanmar vào ngày 31/10.

Hiện tại, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) vẫn chưa xác định giờ thi đấu cụ thể cho các trận đấu này. Tuy nhiên, lịch thi đấu của U22 Việt Nam khá thuận lợi khi lần lượt chạm trán các đối thủ có trình độ tăng dần.

Vòng loại U23 châu Á 2022 có tổng cộng 43 đội tuyển, chia thành 11 bảng, thi đấu theo thể thức vòng tròn 1 lượt tính điểm xếp hạng tại mỗi bảng. 11 đội xếp thứ nhất và 4 đội xếp thứ nhì có thành tích tốt nhất sẽ giành quyền vào VCK tổ chức tại Uzbekistan từ 1/6 đến 19/6/2022.

U22 Việt Nam đang hướng tới mục tiêu có lần thứ 4 liên tiếp vượt qua vòng loại U23 châu Á sau khi lần lượt tham dự VCK U23 châu Á vào các năm 2016, 2018 và 2020

Hung Nguyen
Theo Giáo dục & Thời đại