Thứ sáu, 22/11/2024 | 10:56
RSS

Báo động dịch bệnh bại liệt đang là mối nguy với trẻ nhỏ

Thứ ba, 26/11/2019, 11:29 (GMT+7)

Theo ghi nhận mới nhất tại Philipines và Angola đã xuất hiện trường hợp trẻ nhỏ mắc bệnh bại liệt sau hàng chục năm loại bỏ hoàn toàn căn bệnh tại 2 quốc gia này.

Theo thông tin đăng trên trang Manila Times (Philipines) ngày 23/11/2019 cho biết, Sở Y tế (The Department of Health - DoH) Thành phố DAVAO đã xác nhận thêm 3 trường hợp mắc bệnh bại liệt từ Mindanao, nâng tổng số ca mắc mới trong năm nay ở nước này lên 7 ca.

Báo động dịch bệnh bại liệt đang là mối nguy với trẻ nhỏ
Xuất hiện trẻ nhỏ nhiễm dịch bệnh bại liệt tại Philipines và Angola. Ảnh minh họa

Các mẫu bệnh được lấy từ 3 trường hợp mới được gửi đến Viện nghiên cứu y học nhiệt đới ở thành phố Muntinlupa và Viện truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản đã cho kết quả dương tính với bệnh bại liệt.

Cả ba trường hợp được đưa vào Trung tâm y tế khu vực Cotabato ở thành phố Cotabato. Trường hợp đầu tiên là một bé gái 2 tuổi ở tỉnh Maguindanao bị sốt và yếu ở cả hai chân.

Trường hợp thứ hai là một bé trai 1 tuổi ở thành phố Cotabato bị sốt, ho và yếu ở cả hai chân. Trường hợp thứ ba là một bé gái 4 tuổi ở Bắc Cotabato có biểu hiện sốt và yếu ở chân phải, cổ và cơ mặt.

Hai trường hợp đầu tiên không được tiêm vắc-xin bại liệt, trong khi trường hợp thứ ba đã được tiêm chủng nhưng với liều không đầy đủ. "Không thể chấp nhận được rằng nhiều trẻ em trở thành nạn nhân của căn bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin này.

19 năm sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố Philippines đã loại bỏ hoàn toàn được bệnh bại liệt, căn bệnh này đã xuất hiện trở lại. Các ca bại liệt được ghi nhận tại đảo Mindanao, độ tuổi bệnh nhân từ 3 đến 5 tuổi. 

Chính phủ Angola cho biết quốc gia này mới đây đã ghi nhận ca nhiễm virus bại liệt đầu tiên sau gần 10 năm. Bộ trưởng Y tế Angola Sante Silvia Lutucuta cho biết sau 7 năm không phát hiện thêm ca mắc bệnh sởi mới, quốc gia này hiện rơi vào tình thế khó khăn khi ghi nhận tới 44 trường hợp nhiễm virus bại liệt tại 10/18 tỉnh trên cả nước.

Bộ Y tế Angola hy vọng khoảng 2,5 triệu trẻ em, từ 5 tuổi trở xuống, sẽ được uống vaccine phòng bại liệt trong chiến dịch mới được triển khai hôm 18/11. Dự kiến chiến dịch này sẽ kéo dài hơn 2 tuần.

Bại liệt trẻ em là căn bệnh do virus gây ra, do đó nó có độ lây lan rất nhanh, có thể dẫn đến bại liệt suốt đời, một số trường hợp có thể gây tử vong. 

Báo động dịch bệnh bại liệt đang là mối nguy với trẻ nhỏ
Trẻ cần được tiêm phòng đúng liều lượng. Ảnh minh họa

Cho đến nay, thế giới chưa có thuốc điều trị căn bệnh này. Tuy nhiên, việc tiêm phòng nhắc lại có thể phòng được bệnh. Ngoài ra, các biện pháp phòng ngừa khác như rửa tay cũng được khuyến cáo.

Năm 2000 Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố Việt Nam đã thành công trong khống chế bệnh bại liệt trên toàn quốc. Nghĩa là Việt Nam đã không còn một bệnh nhân bại liệt nào do vi rút bại liệt hoang dại gây nên.

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh bại liệt (Poliomyelitis) là một bệnh nhiễm vi rút cấp tính lây truyền theo đường tiêu hoá do vi rút Polio (Poliovirus) gây nên, có thể lan truyền thành dịch. Bệnh được nhận biết qua biểu hiện của hội chứng liệt mềm cấp (Acute Flaccid Paralysis: AFP). 

Vi rút Polio sau khi vào cơ thể sẽ đến hạch bạch huyết, tại đây một số ít vi rút Polio xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương gây tổn thương ở các tế bào sừng trước tủy sống và tế bào thần kinh vận động của vỏ não. Biểu hiện lâm sàng:

Thể liệt mềm cấp điển hình: chiếm 1% với các triệu chứng sốt, chán ăn, nhức đầu, buồn nôn, đau cơ các chi, gáy và lưng, dần dần mất vận động dẫn đến liệt không đối xứng. Mức độ liệt tối đa là liệt tủy sống, liệt hành tủy dẫn đến suy hô hấp và tử vong. Liệt ở chi, không hồi phục làm bệnh nhân khó vận động hoặc mất vận động.

Nguồn truyền nhiễm

Ổ chứa: Người là ổ chứa duy nhất, đặc biệt là những người nhiễm vi rút bại liệt Polio thể ẩn, nhất là trẻ em.

Nguồn truyền bệnh: Là bệnh nhân ở các thể lâm sàng và người lành mang vi rút bại liệt Polio. Họ đào thải rất nhiều vi rút bại liệt theo phân làm ô nhiễm nguồn nước và thực phẩm.

Thời kỳ ủ bệnh: Từ 7-14 ngày, đối với các trường hợp có dấu hiệu liệt thực thể. Tuy nhiên thời kỳ ủ bệnh có thể dao động từ 3-35 ngày.

Thời kỳ lây truyền: Chưa xác định, nhưng có thể kéo dài trong thời gian vi rút còn tồn tại trong cơ thể và đào thải ra ngoài. Sau khi xâm nhập vi rút có trong dịch tiết hầu họng sau 36 giờ, trong phân sau 72 giờ; ở trong phân vi rút  thường tồn tại từ 3-6 tuần hay lâu hơn. Lây truyền có thể từ 7-10 ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng.

Phương thức lây truyền: Lây truyền từ người sang người chủ yếu là qua đường phân - miệng. Vi rút bại liệt chủ yếu từ phân ô nhiễm vào nguồn nước, thực phẩm rồi vào người qua đường ruột. Cũng có khi lây truyền qua đường hầu họng. Không bao giờ lây nhiễm qua côn trùng trung gian.

Tính cảm nhiễm và miễn dịch:

Tỷ lệ mắc bại liệt cao nhất ở trẻ dưới 3 tuổi, tỷ lệ này càng thấp ở những tuổi càng lớn hơn. Tuy nhiên, trong những vụ dịch gần đây, tỷ lệ mắc bệnh ở lứa tuổi trên 15 tuổi tăng lên rõ rệt. 

Lý do khiến bại liệt hay thấy ở trẻ dưới 3 tuổi là do sự lưu hành rộng rãi của vi rút Polio. Một số lớn trẻ đang bú mẹ hãy còn miễn dịch do mẹ truyền sang nên nếu có nhiễm vi rút thì cũng không có biểu hiện lâm sàng rõ rệt và ít để lại di chứng.

Khả năng đáp ứng miễn dịch týp sau phơi nhiễm sẽ tồn tại suốt đời, kể cả mắc bệnh thể ẩn. Vì vậy sẽ không bị bệnh lần 2 với cùng một týp vi rút.

Trẻ nhỏ được thừa hưởng đáp ứng miễn dịch của mẹ truyền qua. Vắc xin bại liệt được sử dụng đúng qui cách và áp dụng rộng rãi ở cộng đồng sẽ để lại miễn dịch lâu bền, góp phần quan trọng trong công tác thanh toán bệnh này.

Nguyên tắc điều trị

* Bệnh bại liệt là bệnh lây nhiễm do vi rút nên chưa có các biện pháp điều trị đặc hiệu, bệnh nhân được:
- Bất động hoàn toàn.
- Tăng cường và nâng cao thể trạng bằng sinh tố và dịch truyền.
- Hỗ trợ hô hấp, nếu có dấu hiệu của liệt tủy
- Điều trị kháng sinh nếu có bội nhiễm vi khuẩn, cụ thể theo chỉ định của bác sĩ lâm sàng.
- Phục hồi chức năng và khắc phục di chứng (rất quan trọng sau khi lui bệnh)
* Bảo vệ người tiếp xúc:
- Thực hiện vệ sinh chung, cá nhân, an toàn thực phẩm.
- Uống vắc xin OPV dự phòng. 

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN