LTS: Đến bây giờ nhiều người dân ở Hải Phòng, đặc biệt là dân huyện Thủy Nguyên và vùng lân cận vẫn chưa thể nào nguôi ký ức hãi hùng về băng cướp nhà họ Phạm, từng giết người không gớm tay, nã đạn như vãi trấu vào bất cứ ai hồi đầu thập niên 80. Trộm được lượng lớn vũ khí từ một kho quân khí, lại xuất thân từ lính đặc công, toán cướp ác mộng lộng hành và đã gieo rắc không biết bao nhiêu tang thương cho người vô tội, kể cả lực lượng truy bắt. Và, trong lịch sử đấu tranh chống tội phạm cướp giật Việt Nam thì chắc chắn chưa từng có một toán cướp nào mà lực lượng truy bắt phải dùng đến hỏa lực mạnh là súng B40 để tiêu diệt.
“Lót ổ” đón lõng
Ngay khi nhận được tin báo, Đông và Tú chạy về phía huyện Yên Hưng, các trinh sát đã nhận định, rất có thể chúng sẽ vào một nhà người quen của Tú bởi đang bị truy kích ráo riết, hết lương thực nên chúng không còn lựa chọn nào khác. Vậy là những trinh sát, rồi cả lính đặc công tinh nhuệ nhất đã được chọn để theo đường bộ tấp ngay về địa chỉ đó, bố trí địa hình mai phục. Bí mật về đây từ đêm Mùng 1 Tết, mũi truy bắt này đã chọn một nhà dân ở ngay gần nhà đối tượng có thể đến để nằm chờ băng cướp họ Phạm này "vào tròng".
Thượng tá Nguyễn Trọng Lộ, nguyên Phó phòng Cảnh sát hình sự Công an TP. Hải Phòng kể, giữa đêm, khi thấy nhà mình bỗng dưng có đoàn khách lạ, gia đình các trinh sát xin ém quân đó ngạc nhiên lắm. Khi ra mở cửa, tuy ngạc nhiên và có đôi chút khó chịu nhưng bởi là ngày tết nên gia chủ cũng tỏ vẻ vồn vã chúc mừng.
Các trinh sát cũng thì thào chúc mừng lại rồi lôi tọt gia chủ vào trong nhà, đóng kín cửa để… bàn chuyện cơ mật. Nghe xong chuyện của các trinh sát, tuy sợ hãi nhưng chủ nhà ấy bảo: “Các anh tết nhất còn vất vả vậy thì chúng tôi sao dám chối từ!”. Vậy là bánh chưng, bánh kẹo được vị chủ nhà tốt bụng ấy vội vàng đưa ra. Mấy ngày nằm bờ nằm bụi, ăn toàn lương khô nên thấy bánh chưng, ai cũng ăn ngấu nghiến.
Để tránh bị bại lộ nên theo kế hoạch của các trinh sát, ngay từ sáng sớm, những người trong gia đình ấy đã lục tục kéo nhau ra ngoài, ý là đi chúc Tết ở xa. Sở dĩ phải làm vậy bởi ở quê, những ngày tết, người làng người xóm thường đến nhà nhau chơi, chúc tụng, rượu chè. Nếu để mọi người biết nhà cơ sở này có nhiều người lạ thì sẽ không hay. Ranh mãnh, quỷ quyệt, Đông và Tú cũng sẽ không về nữa.
Ban ngày, tổ phục kích cứ nằm im trong nhà. Tới đêm, chừng 21h, khi xóm làng đã vắng ánh đèn thì mọi người lại lặng lẽ bò ra nơi mình được bố trí mật phục. Nằm im ở đó cho tới tờ mờ sáng thì mọi người lại bí mật rút về. Đúng như dự liệu của các trinh sát, đến đêm thứ 2 thì Đông và Tú đã “vào ổ”.
Đấu súng tơi bời trong đêm thanh vắng
Lúc đó chừng 22h, đêm Mùng 3 tết, Đông và Tú đã theo đường sông, băng qua đồng rồi nhanh như cắt chui tọt vào nhà người quen của Tú. Khi thấy chúng đã “nằm trong tầm ngắm”, các trinh sát đã định ra tay thế nhưng một trở ngại mới nảy sinh khiến cuộc vây bắt phải đình lại. Khi thấy Tú và Đông đến, chủ nhà đã huy động người làm cơm thết khách. Đám trẻ con đang ngủ cũng vùng dậy, chạy lăng xăng hóng chuyện.
Nếu tấn công, chắc chắn với sự điên cuồng của mình, Đông và Tú sẽ uy hiếp người nhà đó làm con tin, như vậy là vô cùng nguy hiểm. Theo chỉ đạo, các mũi cứ nằm im, chờ cơ hội thật tốt mới được nổ súng. Qua ánh đèn dầu leo lét, các trinh sát vẫn thấy mấy người trong nhà nâng chén chúc nhau.
Hơn một giờ đồng hồ sau thì tiệc rượu cũng tàn. Đang sốt ruột bởi không biết dùng phương cách gì để tiếp cận mục thì cơ may ập tới. Có lẽ uống nhiều nên Đông và Tú ra sân để… giải quyết nỗi buồn.
Chúng tôi đã may mắn được gặp người trinh sát tham gia mật phục toán cướp này đêm hôm đó và được ông kể lại chi tiết chuyện tiêu diệt hai tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm này. Bên chén trà nóng (bộ ấm chén mà ông được đơn vị tặng sau chiến công ấy được ông giữ gìn cẩn thận suốt mấy chục năm), ông kể, khi thấy Đông và Tú ra sân đi vệ sinh, mọi người mừng lắm, định nổ súng ngay. Tuy nhiên, chỉ huy tổ phục kích đã ngăn lại, bởi trời tối, nếu lỡ người ra sân mà không phải là hai tên tội phạm ấy thì hậu quả không ai có thể gánh vác. Thế nên, mọi người lại phải nín nhịn, chờ thêm.
Người trinh sát dày dặn kinh nghiệm trận mạc này bảo, có lẽ thấy các trinh sát đã nhiều đêm vất vả nên… trời cũng rủ lòng thương. Bốn bề cảnh vật đang chìm trong yên ả thì bỗng đâu có cơn gió nhẹ thoảng tới. Gió làm đám cây ngay sát nơi các trinh sát mật phục lao xao, lay động. Đang “gửi tình yêu vào đất”, thấy đám cây ấy rung rinh, nghĩ là có người mật phục, chẳng ai bảo ai, Đông và Tú liền quay súng lia luôn những loạt đạn chát chúa.
Thấy hai bóng đen ở sân điên cuồng xả súng, biết chắc là chỉ có hai tên kẻ cướp, giết người không gớm tay mới có thể làm vậy nên từ trên đỉnh đống rạ ở gần đó và các điểm phục kích khác, các trinh sát đã đồng loạt siết cò đáp trả. Cứ nhắm chỗ luồng sáng vừa phát ra từ nòng súng của hai bóng đen ấy mà xối xả bắn. Khói súng khét mù.
Sau loạt đạn ấy thì hai bóng đen trong sân cũng im bặt. Chờ hồi lâu không thấy chúng có động tĩnh gì các trinh sát mới bắt đầu áp sát. Tuy nhiên, khi vào tới sân thì không thấy bọn chúng đâu mà chỉ thấy những vệt máu loang lổ.
Kết liễu đời 2 tên cướp bằng 2 quả đạn… B40
Biết bọn chúng đã dính đạn, bị thương nên ngay lập tức các trinh sát bám theo. Vệt máu đưa các trinh sát tới một cánh đồng cách làng chừng 1 cây số. Giữa cánh đồng chơ vơ ấy có một túp lều trông coi cá của một gia đình trong xóm. Có lẽ, do dính đạn, không thể đi tiếp nên 2 tên cướp ấy đã chui vào túp lều đó để dưỡng thương.
Lần tới nơi, định tấn công ngay nhưng các trinh sát lại giật mình bởi trong lều có tới 3 bóng người. Hỏi ra mới biết, ông lão chủ ao cá đó chẳng hiểu nhà có chuyện gì mà đêm nay lại ra đó ngủ. Phải “trục xuất” ông lão ấy ra khỏi lều thì mới có thể tấn công nên mấy trinh sát đã trát bùn kín người, lặng lẽ tiếp cận.
Bị thương, trời rét như cắt thịt, cắt da nên một trong hai tên cướp đã run lên bần bật. Có tiếng một tên quát ông lão là ra ngoài lấy rạ vào để đốt lửa. Nghe thấy tiếng ấy, mấy trinh sát này đã ngay lập tức áp sát đống rạ. Vậy là ngay khi ông lão vừa lò dò ra, các trinh sát này đã trườn đến “bắt cóc” mặc cho ông lão ú ớ chẳng hiểu chuyện gì đang xảy đến với mình.
Đưa được ông lão ra ngoài, hỏi trong lều còn có ai là người thân thích nữa không, còn gì đáng giá không thì ông lão sợ hãi lắc đầu nguầy nguậy. Ông lão này bảo, chúng mang theo nhiều súng, đạn. Lựu đạn thì chúng quẳng ra cả đống và có tên còn bảo, sẽ chết cùng công an ở đây.
Trước khi nổ súng, các trinh sát đã chụm tay làm loa, kêu gọi Đông và Tú ra hàng. Tuy nhiên, cứ mỗi lần gọi là chúng lại vãi đạn ra đáp lời. Tiếng súng, tiếng lựu đạn nổ nhức óc tinh tai. Trời đã mờ mờ sáng, nếu để trời sáng hẳn, người dân biết chuyện tập trung đông thì sẽ rất nguy hiểm nên các trinh sát đã quyết định tấn công.
Hai bên đấu súng hệt như trong phim hành động. Giằng co, không thể tiến thêm lên được nên các trinh sát đã phải đi đến một quyết định táo bạo: Dùng B40. Chắc chắn, trong lịch sử truy bắt, tiêu diệt tội phạm của công an Hải Phòng, thậm chí của công an cả nước thì đây là trường hợp duy nhất súng B40 được trưng dụng.
Hai quả B40 được các trinh sát bắn liên tiếp vào túp lều, lửa bùng cháy ngùn ngụt. Ngọn lửa cũng khiến cơ số vũ khí, đạn dược của 2 tên cướp cháy theo, nổ đì đoàng. Lửa tắt, cũng vừa sáng bạch. Mọi người tiến vào thì thấy xác của Đông, Tú đen thui, nằm co quắp bên đống tro tàn.
Sáng ấy, sau 3 ngày tết, người dân cũng đổ ra đồng đồng đi làm. Hiếu kỳ, họ đã tụ lại lều cá trên đông nghịt. Biết 2 xác chết đen kia là những tên tội phạm đã gieo rắc bao đau đớn cho nhiều người nên ai cũng căm phẫn. Biết các trinh sát đã nhiều đêm vất vả mới xóa xổ được băng cướp này nhiều người đã về nhà lấy bánh kẹo, thuốc lá, thậm chí cả thịt ra mời.
Ông Đỗ Văn Nhật kể, nguyên Chủ tịch UBND xã Thủy Triều thời kỳ đó kể, tin Đông và Tú cũng đã bị tiêu diệt ở Yên Hưng đã nhanh chóng bay về xã. Mọi người ai cũng thở phào nhẹ nhõm, trút được nỗi sợ hãi bấy nay. Nếu không bị triệt hạ, biết tên trùm Phạm Văn Động đã chết, chắc chắn Đông và Tú sẽ càng điên cuồng hơn và rất có thể chúng sẽ quay lại trả thù. Ông Nhật kể, ngay sau khi biết tin Đông và Tú chết, bà Đ. mẹ của 4 tên Bi, Hoạt, Động, Đông đã bất ngờ xuất hiện ở ủy ban xã. Lúc ấy, mấy cán bộ xã đang quây quần ngồi họp, bà Đ. tiến vào và bất thình lình rút súng, dứ về phía ông. Khi ấy, mọi người đã tá hỏa nghĩ bà Đ. bởi xót con nên đến tìm mọi người “tính sổ” nhưng không phải vậy. Bà Đ. bảo, dọn nhà, bà thấy khẩu súng này nên đã mang lên để giao nộp. |