Thứ sáu, 29/03/2024 | 15:11
RSS

Bác sỹ Trần Vũ Quang: Tôi từng nhận ‘quả đắng’ vì thẩm mỹ sai cách

Thứ sáu, 11/05/2018, 06:45 (GMT+7)

Chia sẻ với PV Đời sống Plus, bác sỹ Trần Vũ Quang cho biết, do trước đó từng lựa chọn thẩm mỹ sai cách, nên anh dính “quả đắng” và đến giờ vẫn chưa hoàn toàn khắc phục được 100% hậu quả.


Hiếm người biết, trước khi trở thành ''bác sỹ nam thần'', bác sỹ Trần Vũ Quang (BV Phụ sản Trung ương) từng rất tự ti về ngoại hình của mình. 

Được biết đến với tên gọi bác sỹ nam thần vì ngoại hình không khác gì tài tử Hàn Quốc, nhưng hiếm người biết, khi chỉ là cậu sinh viên trường Y, bác sỹ Trần Vũ Quang (BV Phụ sản Trung ương) từng rất tự ti về ngoại hình của mình. Anh cho hay:

“Thời điểm đó, tôi bị mụn khá nặng, mụn viêm, mụn mủ, mụn đầu đen đều có cả và khá giống với những hình ảnh điển hình mà hiện giờ người ta hay chia sẻ trên facebook về nặn mụn vậy.

Không chỉ vậy, da mặt tôi còn rất xấu, nhiều dầu và rất nhạy cảm, thậm chí là hơi “dữ” vì chỉ cần thức qua một đêm là mụn bọc mọc lên khá nhiều. Nó khiến tôi cực kỳ tự ti về ngoại hình của bản thân”.

Điều trị mụn thành công tại spa, nhưng ngay sau đó, cậu sinh viên Trần Vũ Quang lúc bấy giờ lại phải đối mặt với những tổn thương do sẹo lõm gây ra.

“Tổn thương của sẹo lõm để lại trên da rất nhiều nên khi đó, tôi chọn phương pháp xử lý là tiêm chất làm đầy. Tuy nhiên, chất liệu của họ ở thời điểm cách đây 6 năm không thể tốt như hiện giờ được và cũng có thể là vì lợi nhuận mà họ dùng chất liệu kém. Nên đáng lẽ sau 1 năm, những chất làm đầy ấy phải tan rồi nhưng với tôi lại không hề tan. Thay vào đó, nó vón cục lại làm da sần sùi hơn và tôi đã phải đi hút đến 3 lần.

Đến tận bây giờ, mất mấy năm liền, da mặt tôi mới chỉ khắc phục được 90% và vẫn còn phải chịu 10% hậu quả từ nó. Tức là vẫn còn những chấm li ti như vài hạt cát dưới da. Và nếu nhìn kỹ, da mặt bên phải do tôi từng tiêm chất làm đầy nên có nhiều vết thâm và sần hơn một chút so với da mặt bên trái”- Bác sỹ Trần Vũ Quang nói.


Ths.BS Cao Ngọc Duy, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm Mỹ (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) 

Chia sẻ với PV Đời sống Plus, Ths.BS Cao Ngọc Duy, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho biết, sẹo rỗ, sẹo lõm được hình thành do lớp hạ bì ở da bị tổn thương dẫn đến cấu trúc của da bị phá vỡ, khiến các chuỗi collagen bị đứt gãy, tạo thành những lỗ sâu, lõm trên bề mặt da. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này: mụn trứng cá, mụn đầu đen, thủy đậu, bỏng… Ngoài ra, việc điều trị mụn và chăm sóc da mặt không đúng cách cũng là một trong những thủ phạm gây nên điều này.

“Những phương pháp điều trị sẹo rỗ, sẹo lõm thường được dùng nhiều nhất hiện nay là phi kim, laser, dùng thuốc bôi, kem bôi. Còn với cách tiêm chất làm đầy như trường hợp của anh Trần Vũ Quang kể trên chỉ mang tính chất tạm thời chứ không phải là giải pháp điều trị tận gốc. Thông thường, những chất làm đầy này chỉ mất khoảng 6 tháng đến 1 năm là tan hết. Với trường hợp trên, có thể do sử dụng chất làm đầy kém chất lượng dẫn đến tình trạng vón cục trong da” - Ths.BS Cao Ngọc Duy nói.

Cũng theo Ths.BS Cao Ngọc Duy, bác sỹ Trần Vũ Quang khá may mắn vì đã điều trị khỏi 90% và chỉ còn lại 10% là biến chứng. Trong quá trình công tác, anh gặp rất nhiều trường hợp cầu cứu bác sỹ vì những biến chứng do điều trị sẹo rỗ, sẹo lõm sai cách.

“Có nhiều trường hợp nặng, bị tổn thương quá sâu tìm đến tôi cầu cứu. Nhưng tôi phải nói thẳng là khả năng hồi phục gần như không có, mà nó chỉ đỡ được bao nhiêu phần trăm thôi. Vì một khi sẹo rỗ, sẹo lõm không được điều trị đúng cách sẽ làm những tổn thương do nó gây ra sâu hơn, khiến cấu trúc collagen trong da bị đứt gãy không thể hồi phục được” - Ths.BS Cao Ngọc Duy nhấn mạnh.

Còn với bác sỹ Trần Vũ Quang, cũng chính vì “bài học xương máu” khi lựa chọn sai phương pháp thẩm mỹ từ thời sinh viên mà đến hiện giờ, khi quyết định “đại phẫu” để tiệm cận hình tượng nam thần hoàn hảo mà vẫn giữ được những đường nét hài hòa, tự nhiên nhất cho khuôn mặt, anh đã rất thận trọng. Anh mất nhiều năm để tìm hiểu rất kỹ về những công nghệ làm đẹp cũng như cơ sở uy tín và bác sỹ tay nghề cao để “chọn mặt gửi vàng”.

Vì thế nên, khi “lột xác” với diện mạo mới, nhiều người nghi ngờ, anh đang bị “nghiện” phẫu thuật. Trả lời về vấn đề này, bác sỹ Trần Vũ Quang thẳng thắn phủ nhận.

“Nếu bạn làm đẹp xong, mọi người khen bạn đẹp mà bạn về nhà soi gương 10 lần mỗi ngày và có ý định thay đổi khuôn mặt mình tiếp, thậm chí là thay đổi giải pháp làm đẹp trước đó bạn mới áp dụng, thì lúc đó mới là bị nghiện. Nó giống như kiểu lúc nào bạn cũng muốn thay đổi tiếp theo xu thế, chạy theo hottrend, theo thời đại vậy.

Nhưng khuôn mặt của mình, ngoại hình của mình không phải là thứ có thể mang ra chạy theo thời trang hay thử nghiệm hết công nghệ này đến công nghệ khác mà phải hiểu được nhu cầu của bản thân là gì và lựa chọn làm gì cho phù hợp”- Bác sỹ Trần Vũ Quang nói.


Xem thêm Bệnh nhân tử vong bất thường sau khi vào viện mổ gãy tay

Thanh Hà
Theo Đời sống Plus/GĐVN