Những ngày qua, khi video về vụ việc bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương gác chân lên ghế khi thăm khám và trao đổi với gia đình người bệnh được đăng tải trên mạng xã hội đã ngay lập tức gây xôn xao dư luận. Qua xác minh, nữ bác sỹ bị phản ánh trong clip là TS.BS Nguyễn Thị Minh, hiện đang công tác tại khoa Mắt trẻ em, Bệnh viện Mắt Trung ương.
Rất nhiều người cho rằng, hành động của bác sỹ Minh đáng được lên án, bởi nó vi phạm quy chuẩn "lương y như từ mẫu". Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến bênh vực hành động của bác sỹ Minh và cho rằng, bác sỹ cũng là người, cũng có những phút giây "hớ hênh" và mong mọi người thông cảm. Trong đó, nổi bật nhất là ý kiến của nam bác sỹ sản khoa Trần Vũ Quang - người từng gây xôn xao dư luận vì quá đẹp trai.
Theo Bác sỹ Trần Vũ Quang, bác sỹ là nghề mà hằng ngày phải đứng giữa sinh tử nên rất cần cân bằng cảm xúc: "Nếu như một ngày gặp 100 người và cười với họ đã mệt, nhưng gặp 100 người ốm bệnh tâm trạng của bạn sẽ thế nào? Nếu như bạn đi dự một cái đám ma bạn đã cảm thấy buồn hay cần cân bằng lại cảm xúc. Vậy thì chúng tôi, những con người hàng ngày tiếp xúc với điều đó, chúng tôi sẽ cảm thấy ra sao?"- nam bác sỹ sản khoa chia sẻ.
Vì vậy, Bác sỹ Quang mong mọi người hãy nhìn nhận sự việc bằng con mắt thấu hiểu và sẻ chia, đừng hùa theo dư luận một cách vô lý. "Với tư cách là một bác sĩ, tôi hi vọng trong lần tái khám tới, người nhà bệnh nhân hãy đến gặp để cảm ơn và xin lỗi bác sĩ Minh một cách chân thành nhất!"- bác sỹ Quang viết.
Hình ảnh bác sỹ nằm bệt giữa phòng nghỉ sau một ca mổ.
Đời sống Plus xin trích nguyên văn dòng chia sẻ của nam bác sỹ sản khoa Trần Vũ Quang như sau:
"SỰ THẬT CÓ NẰM TỪ MỘT PHÍA?
Các cụ từ xưa đã có câu “lương y như từ mẫu” và đây được xem là cốt lõi của đạo đức nghề y, bởi nghề y là nghề rất đặc biệt. Nghề y không những cần có một tấm lòng bao dung với người bệnh như mẹ hiền bao dung với con mà còn cần có chuyên môn tốt thì mới được xem là “lương y như từ mẫu”.
Tôi khẳng định rằng nghề y là là một nghề đặc thù, vì nó chịu áp lực từ rất nhiều phía!
Học tập miệt mài chỉ mong sao mình có nhiều kiến thức, có chuyên môn vững chắc để cứu bệnh nhân. Đối với sinh viên y thì học đến 2-3 giờ sáng là chuyện bình thường, có khi là thức trắng đêm, rồi đến sáng hôm sau lại phải lên lớp, đến chiều lại tất tả đến bệnh viện học và đến tối lại phải đi trực. Còn đối với bác sĩ thì hầu như là không có thời gian mà nghỉ ngơi, thậm chí những bữa cơm các bác sĩ cũng chỉ ăn qua loa cho có để rồi còn chạy đi cấp cứu. Khi trực lúc nào cũng gần như trực gục xuống cái là có thể thiếp đi được ngay.
Chưa hết, bởi còn có những ca mổ kéo dài cả tiếng đồng hồ, nó đòi hỏi kiến thức chuyên môn, sức khỏe và đi cùng với sự khéo léo, hay một tinh thần thép. Nhiều bác sĩ đã lăn ra ngủ ngay tại phòng mổ vì sức khỏe, tinh thần và trí tuệ đã vắt kiệt cho ca mổ trước đó.
Tôi biết mỗi một ngành nghề đều có những áp lực, những mệt mỏi hay khó khăn, nhưng hơn hết thảy tôi phải khẳng định với các bạn một điều là không có một ngành, nghề nào lại chịu áp lực học hành nhiều như ngành y.
Tại sao tôi lại dám khẳng định như vậy? Tại vì tôi đã và đang trải qua hết tất cả những gì đã nói ở trên và tôi hiểu được sự vất vả đó, bởi hàng ngày chúng tôi đang đứng giữa sinh tử, đứng giữa những cảm xúc cần cân bằng.
Nếu như một ngày gặp 100 người và cười với họ đã mệt, nhưng gặp 100 người ốm bệnh tâm trạng của bạn sẽ thế nào? Nếu như bạn đi dự một cái đám ma bạn đã cảm thấy buồn hay cần cân bằng lại cảm xúc. Vậy thì chúng tôi, những con người hàng ngày tiếp xúc với điều đó, chúng tôi sẽ cảm thấy ra sao?
Bác sỹ Trần Vũ Quang lọt vào "mắt xanh" của rất nhiều thiếu nữ.
Áp lực từ người nhà bệnh nhân, chắc hẳn bạn đã từng nghe ở đâu đó như báo, đài, TV… những vụ người nhà bệnh nhân hành hung, đánh bác sĩ chảy máu. Chúng ta nghĩ tai nạn chỉ gặp đối với những nghề như công an, bộ đội, xây dựng nhưng đâu có biết rằng một nghề đi cứu người nhưng vẫn bị tai nạn nghề nghiệp mà tai nạn này lại do chính người bệnh, người nhà bệnh nhân gây ra cho bác sĩ.
Từ lương tâm làm sao sống đúng với trách nhiệm của một bác sĩ, sống để chữa bệnh. Bác sĩ cũng là một con người, tôi không khẳng định rằng tất cả sẽ vượt qua được cám dỗ trước những thứ gọi là vật chất, danh tiếng. Đã có vụ bác sĩ nhận phong bì, nhận hoa hồng từ người nhà người bệnh. Nhưng tôi xin nói lại là đó không phải là tất cả, đừng vì một cá nhân đánh giá một tập thể, đừng vì một sự kiện mà nhận định cả một hệ thống.
Chắc các bạn cảm thấy khó hiểu lắm? Tại sao hôm nay tôi lại lên đây giãi bày sự về nghề y?
Bác sỹ Trần Vũ Quang đã gắn bó với ngành Y được 12 năm.
Chắc hẳn các bạn có nghe về sự kiện “nữ bác sĩ gác chân lên ghế đối thoại người nhà bệnh nhân” và bị người nhà bệnh nhân quay lại clip rồi tung lên mạng. Cùng theo đó nữ bác sĩ bị lên án, đòi kỷ luật hay bị gọi là hách dịch, không coi người bệnh ra gì…
Nhưng đó chỉ là video và lời nói mà chúng ta được nghe từ một phía. Có mấy ai tự hỏi liệu còn điều gì ẩn khuất ở đằng sau hay không? Hay chúng ta đang thực sự sống trong xã hội mà người ta không cần biết đúng sai, người ta chỉ đi theo số đông …. Một người nói bác sĩ không có đạo đức, một người nói bác sĩ không có chuyên môn, người thì nói bác sĩ thời nay không ra gì… Cứ thế thành cả một cộng đồng nào đó, tập thể nào đó cùng nhau ném đá và lên án.
Theo như nhiều trang báo đưa tin, thì người nhà bệnh nhân vào quát tháo bác sĩ, nói bác sĩ không có chuyên môn, khám mắt mà chỉ vạch mắt xem rồi thôi, trong khi đó các trang thiết bị bên cạnh thì không sử dụng, và khi nói chuyện với người nhà bệnh nhân còn gác chân lên ghế. Đồng thời người này, theo được biết là bố của bệnh nhân, còn yêu cầu bác sĩ khám lại, làm theo những gì người nhà bệnh nhân bảo. Vị bác sĩ trong câu chuyện này chính là bác sĩ Nguyễn Thị Minh, hiện đang công tác tại bệnh viện Mắt Trung ương và là một người có thâm niên trong làm việc cũng như chuyên môn cao.
Bác sỹ Trần Vũ Quangmong dư luận hãy thấu hiểu những vất vả của bác sỹ.
Chưa biết cặn kẽ câu chuyện nhưng nhiều người đã vào comment những câu rất vô trách nhiệm nhưng họ đâu biết nó có mức sát thương rất lớn đối với những người mang trên mình trọng trách cứu người. Có người đã comment những câu như “Bác sỹ tỏ ra hách dịch với người nhà bệnh nhân có bằng chứng rõ ràng. Vậy yêu cầu đuổi việc làm gương cho nhân viên y tế khác”, hay như “Vậy kết quả thăm khám "xem phát biết liền" của chị bác sỹ này thế nào? Có chuẩn chuyên môn không? Cái này mới là quan trọng, nếu "xem phát biết liền" như thế là chuẩn xác, chuẩn chuyên môn thì nên khen thưởng bác sỹ này có trình độ cao. Còn không đảm bảo chuyên môn nghề nghiệp và vô trách nhiệm thì tôi nghĩ nên đuổi việc vị nữ bác sỹ này một cách chóng vánh như cách chị ấy khám cho bệnh nhân ấy”.
Vậy tôi hỏi các bạn, một người được học, được đào tạo, đi học chuyên sâu và bồi dưỡng ở nước ngoài cùng một người không được học gì thì ai là người có chuyên môn? Nhiều người nói bác sĩ Minh hách dịch, tôi mới lên mạng tìm xem video thì thấy bác sĩ không hề có thái độ hách dịch như nhiều người đã nói. Bác nói rất nhã nhặn, lịch sự, không quát tháo hay xua đuổi người bố bệnh nhân. Khi được yêu cầu khám lại, bác Minh đã đề nghị họp hội chẩn với những bác sĩ có chuyên môn cao hơn và kết quả đưa đúng với những gì mà bác sĩ Minh đã chẩn đoán.
Cái tôi thấy thiếu nhã nhặn ở đây có lẽ là hành động gác chân lên ghế của bác sĩ. Vậy bạn có hỏi tại sao bác sĩ nói rất ôn hòa, không quát tháo nhưng lại làm một hành động không được đẹp lắm như vậy không? Trước khi lên án một hành động của một ai đó là không đúng thì bạn hãy nhìn cả vào hoàn cảnh, môi trường xung quanh, tính chất công việc rồi hãy đưa ra nhận xét. Một bệnh viện lớn như Bệnh viện mắt Trung Ương thì một bác sĩ ít nhất cũng phải khám 100 người/ngày, tôi nghĩ con số này không hề nhỏ đối với một nữ bác sĩ sắp về hưu. Vậy chuyện nếu như có tê chân, có mỏi chân mà gác lên ghế một chút thì tôi nghĩ cũng có thể bỏ qua. Từ bao giờ mà chúng ta xét nét, chúng ta chưa đặt mình vào vị trí của người khác mà đã đánh giá, dùng những lời lẽ khiếm nhã để chửi ai đó? Có lẽ là tôi vẫn nghĩ từ bao giờ chúng ta lại trở nên quá khắt khe với người khác, nhưng lại để bản thân đi xa như vậy?
Bác sỹ Trần Vũ Quang mong mọi người hãy nhìn sự việc bằng con mắt chia sẻ, thấu hiểu hơn.
Theo một trong những trang báo mạng-báo điện tử uy tín nhất hiện nay tại Việt Nam được độc giả đánh giá mức độ uy tin-tin cậy cao, mới đưa tin cho biết, người đưa em bé vào khám ban đầu là mẹ. Trước khi được bác sĩ Minh khám, bệnh nhi đã được hai điều dưỡng đo khúc xạ mắt bằng máy đo khúc xạ tự động, thử thị lực và chính kính sơ bộ bằng máy đo thị lực. Sau đó bác sĩ Minh khám độ lác, vận nhãn, soi đáy mắt và đưa ra chẩn đoán “-2M: cận thị (bệnh nhân đến khám lần đầu chưa đeo kính bao giờ)”.
Theo bác sĩ Minh, bệnh nhân mỏi mắt, thị lực chỉnh kính không đạt tối đa nên đã ghi đơn thuốc, hẹn khám lại sau 5 ngày để xác định độ cận thị chính xác. Trên tờ phiếu của bé có ghi chi tiết về kết quả khúc xạ. Khi người nhà yêu cầu khám lại, bác sĩ đã chuyển bé đi hội chẩn cấp cao hơn về chuyên môn và kết quả hổi chẩn sau đó không khác với chẩn đoán ban đầu của bác sĩ Minh.
Lúc này mọi người lại nhảy vào comment như “Hết chuyện rồi nên mới bắt bẻ bác sỹ "gác chân lên ghế". Xem clip thấy người nhà bệnh nhân hành xử quá đáng. Lẽ ra nên gọi bảo vệ mời ông ta ra khỏi phòng mới phải”, “Có lẽ bác sĩ cảm thấy không an toàn nên ngồi tư thế đấy để dễ tự vệ thôi”… còn rất nhiều comment bảo vệ bác sĩ. Các bạn thấy đó, trước khi xem xét một vấn đề nào đó hãy nên nghe từ 2 chiều, chứ đừng nghe từ một phía rồi lại đưa ra những nhận xét sai trái, làm cho bản chất sự việc sai hẳn so với bản chất thực của nó.
Có thể đọc đến đây nhiều bạn nghĩ rằng “Ôi dào, cùng nghề thì làm gì chẳng bảo vệ nhau chẳng lẽ lại đi nói xấu nghề của mình”, hay đơn giản có bạn nghĩ tôi bám víu vào việc này để đu víu, để ăn theo. Nhưng với tư cách là một bác sĩ tôi hiểu và thấu cảm được những gì mà bác sĩ Minh phải chịu đựng một cách chân thành, vì vậy mới nói lên nỗi lòng của bản thân.
Các bạn thấy đó, trước khi các thông tin được đấy đủ, minh bạch thì đừng comment dạo hay phản ứng theo xu hướng đám đông. Những comment đó có thể làm tổn thương trực tiếp đến người phải hứng chịu, bởi bây giờ sức mạnh của mạng xã hội là rất đáng sợ nó có thể làm cho một người bị stress nặng, bị áp lực tâm lý từ những búa rìu vô trách nhiệm, thậm chí có thể đẩy người ta đến mức tự sát để giải thoát bản thân.
Hãy nhìn sự việc bằng con mắt chia sẻ, thấu hiểu hơn là việc bạn hùa theo dư luận một cách vô lý. Hãy tạo ra một cộng đồng mạng có trách nhiệm hơn!
Với tư cách là một bác sĩ, tôi hi vọng trong lần tái khám tới, người nhà bệnh nhân hãy đến gặp để cảm ơn và xin lỗi bác sĩ Minh một cách chân thành nhất!".
Trước đó, hồi tháng 1 vừa qua, bác sỹ Trần Vũ Quang từng gây xôn xao dư luận khi xuất hiện với hình ảnh quá... đẹp trai và ngay lập tức lọt vào tầm ngắm của không ít thiếu nữ trẻ. Được biết, bác sỹ Trần Vũ Quang đã gắn bó với ngành Y được 12 năm. Trong đó, nửa thời gian anh theo học tại Đại học Y Hà Nội. Vũ Quang hiện có 6 năm gắn bó với Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Hà Nội.