Thứ năm, 28/03/2024 | 16:02
RSS

​Bác sĩ mách mẹ thông thái cách phòng bệnh cho trẻ khi gió mùa về

Thứ năm, 15/12/2016, 10:19 (GMT+7)

Trời trở gió mùa lạnh đột ngột là nguyên nhân chính khiến bệnh nhi tăng cao. Thời điểm này, cha mẹ nên chú ý chăm sóc để trẻ không mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa…

Theo thông tin từ Trung tâm khí tượng và thủy văn Trung ương, hiện bộ phận không khí lạnh vẫn đang tiếp tục ảnh hưởng đến các tỉnh phía Bắc trong những ngày tới.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh sẽ rất dễ khiến trẻ mắc các căn bệnh liên quan đến đường hô hấp và tiêu  hóa. Gió mùa tràn về khiến hệ miễn dịch còn non yếu của trẻ nhỏ rất dễ mắc các chứng bệnh như cảm cúm, sốt, viêm phổi, viêm tai, viêm màng não….

Hiện nay, thời tiết diễn biến bất thường tạo điều kiện thích nghi cho các vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh. Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc bệnh nhân do hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn chỉnh, dễ bị vi khuẩn xâm nhập gây bệnh.

 Vì vậy, trước hết, để phòng bệnh cách tốt nhất là nên đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành y tế. Bên cạnh đó, cần theo dõi và có biện pháp để giữ gìn sức khỏe tăng cường miễn dịch, nâng cao sức đề kháng cho trẻ.

Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với thời tiết khi chuyển mùa. Ảnh minh họa

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, thời tiết này khiến vi rút hợp bào trong không khí nhanh chóng xâm nhập vào cơ thể trẻ. Từ đây sẽ đi sâu phá vỡ hệ thống đề kháng chưa hoàn chỉnh nhất là hệ hô hấp.

Vi rút hợp bào là một loại virus nguy hiểm có khả năng làm cho bé bị viêm phế quản, viêm đường hô hấp, viêm phổi tùy theo từng mức độ từ nhẹ đến nặng.

Theo PGS Dũng, trong thời gian giao mùa như hiện nay, cha mẹ cần lưu ý viêm phổi ở trẻ sơ sinh vì bệnh diễn tiến nặng rất nhanh và biểu hiện không rầm rộ như trẻ lớn nên dễ bị bỏ qua. Bệnh ở trẻ lớn có những biểu hiện điển hình là sốt cao, ho nhiều, còn với trẻ dưới 6 tháng tuổi, đây không phải là dấu hiệu quan trọng.

Theo Bác sĩ Dũng, nhiều bé thậm chí không sốt, không ho, nhưng đã bị viêm phổi rất nặng. Đặc biệt trẻ sơ sinh dưới 30 ngày tuổi khi bị viêm phổi thậm chí thân nhiệt còn hạ một chút.

Để phòng bệnh viêm đường hô hấp cho trẻ trong giai đoạn này, bác sĩ Dũng khuyến cáo, trong thời điểm này phụ huynh cần phải chú ý giữ ấm đầy đủ cho con, nên để trẻ trong nhà với nhiệt độ phòng khoảng 28-29 độ là vừa. Tuy nhiên, hàng ngày vẫn phải mở cửa để thông gió, thay đổi không khí trong phòng.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai

Bên cạnh đó, cần theo dõi và có biện pháp để giữ gìn sức khỏe, tăng cường miễn dịch, nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng cách:

Ăn uống đảm bảo, cân bằng dinh dưỡng

Trong bữa ăn hàng ngày cha mẹ cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ bao gồm bốn nhóm chất cơ bản là chất đạm, chất bột, chất béo và các loại vitamin khoáng chất. Mẹ cần chú ý cho bé ăn thêm các loại hoa quả vào những ngày thời tiết lạnh như cam, bưởi, lê… để tăng cường vitamin C, từ đó tăng sức đề kháng cho trẻ.

Giữ ấm cho trẻ

Trời lạnh, cha mẹ hạn chế cho bé ra ngoài, trong trường hợp bắt buộc thì phải hết sức chú ý ăn mặc ấm cho trẻ tránh gió lạnh thổi trực tiếp vào  người. Ở trong nhà cũng phải đóng kín cửa tránh gió lùa.

Thêm một đặc điểm cần lưu ý những ngày trời chuyển gió là nhiệt độ sáng sớm và đêm xuống khá thấp nên cần mặc ấm cho trẻ hơn.

Tuy nhiên, cần lưu ý không nên giữ ấm quá mức khiến trẻ bị nóng bức, chảy mồ hôi phía lưng, ngực. Lúc này nước dễ thấm ngược vào cơ thể gây viêm đường hô hấp. Đây là một sai lầm rất phổ biến của nhiều bố mẹ.

Bên cạnh đó, việc để điều hòa nhiệt độ chênh lệch giữa trong và ngoài nhà quá cao sẽ khiến trẻ bị sốc nhiệt. Theo đó, bác sĩ khuyến nghị chỉ nên để nhiệt độ khoảng từ 22- 25 độ C.

Vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên cho trẻ

Phần lớn các bệnh liên quan đến đường hô hấp đều lây truyền trực tiếp khi trẻ ho, hắt hơi xổ  mũi. Chính vì vậy cần cách ly trẻ khỏe với trẻ bị bệnh.

Bé luôn phải được rửa tay thường xuyên để loại bỏ sự lây lan của các mầm bệnh, nhất là những trẻ nhỏ hay mút tay và cầm đồ chơi đưa lên miệng.

Khi trẻ đi ra ngoài về, cần phải rèn cho trẻ thói quen rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng ngay.

Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ không phải là việc tắm thường xuyên. Trời lạnh, cha mẹ có thể không cần tắm hàng ngày cho trẻ, chỉ cần vệ sinh lau người sạch sẽ, đặc biệt là vùng kín của bé.

Cha mẹ có thể nhỏ mũi cho bé bằng nước muối sinh lý khi thấy mũi trẻ khô, ngạt hoặc chảy nước mũi.

Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ tuyệt đối không sử dụng than đá, than củi để sưởi ấm vì hơi than tỏa ra không khí rất độc.

Trẻ có biểu hiện bất thường, cha mẹ cần đưa đến bác sĩ ngay, tránh việc tự ý mua thuốc điều trị tại nhà không đảm bảo đến sức khỏe của trẻ.

Phương Bình (T/H)
Theo Đời sống Plus