Chủ nhật, 19/01/2025 | 09:42
RSS

Bác sĩ lên tiếng vụ 2 trẻ tử vong sau truyền dịch: Tai biến có thể xảy ra bất ngờ

Thứ năm, 18/10/2018, 19:47 (GMT+7)

PGS TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết dù kỹ thuật truyền dịch khá đơn giản nhưng những tai biến có thể xảy ra rất bất ngờ, đột ngột có thể gây chết người.

Liên tiếp 2 trẻ tử vong do truyền dịch: Vì sao truyền dịch gây chết   người?

Thông tin về việc hai trẻ tử vong sau truyền dịch đã gây xôn xao dư luận. Nhiều bậc cha mẹ vô cùng lo lắng (Ảnh minh họa)

Những ngày qua, thông tin về việc hai trẻ tử vong sau truyền dịch đã gây xôn xao dư luận. Nhiều bậc cha mẹ vô cùng lo lắng bởi truyền dịch là một liệu pháp điều trị được áp dụng hết sức rộng rãi ở mọi cơ sở y tế từ Trung ương đến địa phương.

Trao đổi với PV Đời sống Plus về vấn đề này, PGS TS Nguyễn Tiến Dũng nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết truyền dịch là phương pháp đưa những chất có lợi hoặc thuốc trực tiếp vào tĩnh mạch. Mặc dù kỹ thuật truyền dịch khá đơn giản nhưng những tai biến có thể xảy ra rất bất ngờ, đột ngột và hết sức nguy hiểm.

Truyền dịch ở trẻ em có những nguy cơ gì?

Theo PGS TS Nguyễn Tiến Dũng, tai biến khi truyền dịch có thể xảy ra từ nhẹ đến nặng. Nhẹ thì gây sưng phù, đau tại vùng tiêm truyền. Nặng hơn có thể gây viêm tĩnh mạch, thối thịt. Và tai biến nguy hiểm có thể đến bất ngờ đó là sốc phản vệ. 

Chính vì vậy, khi bác sĩ đưa ra y lệnh chuyền dịch cần phải khám tổng thể người bệnh, xem người bệnh có những bệnh gì, có thể chịu được bao nhiêu lượng dịch, tốc độ truyền dịch như thế nào?

Bác sĩ Dũng lấy ví dụ: "Người có tiền sử bệnh tim, phổi, nếu truyền dịch hoặc thuốc với tốc độ quá nhanh có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên, trong trường hợp người tiêu chảy nôn nhiều, mất nước mất máu nặng thì việc chuyền dịch lại phải rất nhanh, lấy xi lanh bơm trực tiếp thì mạch huyết áp mới lên, mới cứu được bệnh nhân".

Kỹ thuật truyền dịch tuy đơn giản, nhưng những tai biến có thể xảy ra rất bất ngờ, đột ngột và hết sức nguy hiểm đối với trẻ (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân nào dẫn đến tử vong khi truyền dịch?

Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, có 2 nguyên nhân có thể dẫn đến tử vong khi truyền dịch bao gồm sốc phản vệ và bệnh của trẻ truyền dịch.

Nếu bệnh nhân có những biểu hiện như rét run, khó thở, tím tái, nổi ban da, nghi là sốc phản vệ thì thuốc đầu tay nhân viên y tế cần sử dụng là thuốc cấp cứu sốc phản vệ là Adrenalin. 

"Theo kinh nghiệm của tôi những người sốc phản vệ được tiêm Adrenalin sớm, khi đến viện cấp cứu không có mạch, không có huyết áp các bác sĩ vẫn cứu được" - PGS TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết.

Nguyên nhân thứ 2 là do bệnh của trẻ được truyền dịch. Cũng có thể trẻ bị bệnh nào đó mà bác sĩ không phát hiện ra như tim loạn nhịp. Bệnh này nếu không khám kỹ, bác sĩ sẽ khó nhận ra và khi truyền dịch trẻ có thể ngừng tim ngay lập tức.

Lời khuyên của bác sĩ khi chăm sóc trẻ

Theo PGS TS Nguyễn Tiến Dũng, tiêu chảy là bệnh thông thường, rất nhiều trẻ mắc. Nếu chúng ta biết cách xử lý bệnh có thể khỏi tương đối nhanh, nhưng nếu xử lý sai cách có thể gây nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.

"Đối với trẻ tiêu chảy, phụ huynh cần nhớ Oresol là thuốc đầu tay. Trẻ bị tiêu chảy uống đủ và đúng Oresol chắc chắn sẽ không tử vong" - bác sĩ Dũng chia sẻ.

Phụ huynh có thể pha 1 gói Oresol vào 1 lít nước đun sôi để nguội, cho trẻ uống theo yêu cầu (nếu trẻ nôn, uống ít một), mỗi khi cho trẻ uống cần lắc đều dung dịch đã pha, chỉ sử dụng dung dịch này trong vòng 24 giờ.

Trẻ bị tiêu chảy, khát nước thì cho trẻ uống theo nhu cầu. Sau mỗi lần đi ngoài cho uống thêm 1 cốc dung dịch trên. Nếu trẻ bị nôn thì cho trẻ uống ít một và tăng số lần lên.

Đối với trẻ bị tiêu chảy, cần cho trẻ ăn bình thường, không nên bắt trẻ nhịn ăn dẫn đến hạ đường huyết, cơ thể suy nhược và thiếu ăn dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng. Nếu trẻ còn đang bú vẫn cho trẻ bú bình thường và cho ăn những thức ăn nhẹ, dễ tiêu. Cho trẻ ăn nhiều bữa một ngày và số lượng mỗi bữa ít hơn bình thường.


Xem thêm: Thanh Hóa: Bé 15 tháng tuổi tử vong với nhiều vết thương 'lạ', gia đình nói lỗi tại bệnh viện

Ngọc Châu
Theo Đời sống Plus/GĐVN