Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật mổ bắt con cho sản phụ 162 kg.
Vừa qua Bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận chị N.T.T.H (25 tuổi, ở Long An) được Bệnh viện Đa khoa Vạn Phúc 2 (Bình Dương) chuyển đến, với lý do con so, thai 35 tuần, ngôi đầu, tiền sản giật nặng, béo phì.
Bệnh nhân N.T.T.H lập gia đình đã 6 năm (2013), không điều trị hiếm muộn, mang thai tự nhiên, cân nặng trước khi mang thai 110kg với chỉ số cơ thể (BMI - Body mass index) 48,88. Cân nặng lúc nhập viện 162kg, cao huyết áp (150/100 mmHg), không tiền sử bệnh ngoại khoa và phụ khoa, được điều trị tiết chế đã 3 tháng.
Với tiên lượng phụ nữ béo phì sẽ làm tăng các biến cố sản khoa về tim mạch, huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường, mất tim thai trong bụng mẹ…, chị T.H. được nhập vào khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ để kiểm tra và theo dõi sát quá trình chuyển dạ. Ngày 13/8/2019, sau các đợt giục sinh thất bại, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật bắt con cho bệnh nhân T.H.
Sáng 14/8/2019, chị T.H được chuyển vào Khoa Gây mê hồi sức, ê-kíp phẫu thuật được tập trung với các bác sĩ Sản khoa và Gây mê nhiều kinh nghiệm để lên phương án can thiệp an toàn cho sản phụ và bé trong quá trình phẫu thuật bắt con, với sự cân nhắc hết sức thận trọng giữa hai phương pháp gây tê và gây mê.
BS CKII Hồng Công Danh - Trưởng khoa Gây mê hồi sức cho biết, gây mê để tiến hành phẫu thuật đối với sản phụ béo phì sẽ không đơn giản. Nếu gây mê, bác sĩ sẽ phải dùng lượng thuốc mê tương ứng với cân nặng của sản phụ để có thể duy trì mê cho đến khi hoàn tất cuộc mổ.
Bên cạnh đó, do tình trạng cân nặng “quá khổ” bệnh nhân có cổ bị ngắn, lưỡi to, vùng hầu họng hẹp nhiều hơn so với một sản phụ bình thường, nên việc đặt nội khí quản để gây mê gặp nhiều khó khăn, khả năng gây tổn thương vùng hầu họng, dễ bị hít sặc do nguy cơ trào ngược dạ dày là không tránh khỏi, kể cả biến chứng suy hô hấp do việc rút ống nội khí quản sau phẫu thuật.
Sản phụ có cân nặng đặc biệt được tiến hành gây tê tủy sống.
Sau khi hội ý, kíp mổ đã thống nhất sử dụng phương pháp gây tê tủy sống. Kỹ thuật này giúp hạn chế được các nguy cơ nêu trên trong quá trình phẫu thuật cũng như hạn chế ở mức thấp nhất những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra cho bé.
Với kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực gây mê, BS Hồng Công Danh là người trực tiếp gây tê cho sản phụ. Thách thức khi tiến hành kỹ thuật gây tê cho sản phụ T.H là khả năng uốn cong lưng của bệnh nhân rất kém do cản trở của lớp thành bụng dày quá mức, khiến khoảng cách từ da đến mục tiêu (khoang dưới nhện) lớn hơn bình thường, gây khó khăn cho việc tìm các mốc, vị trí đốt sống để châm tê bị che khuất bởi lớp mô mỡ.
Khi thuốc đã tác dụng lên dây thần kinh phần thân dưới, sản phụ bị mất cảm giác, tạo thuận lợi cho phẫu thuật viên - BS CKII Trần Ngọc An, tiến hành ca mổ lấy thai. Tuy nhiên khi thực hiện đường rạch ngang thân tử cung để tiếp cận ổ bụng của sản phụ, bác sĩ đã phải “đi” rộng hơn so với các bà mẹ có cân nặng bình thường. Cuộc mổ đã giúp chào đời một bé trai cân nặng 3300g, hồng hào và khóc rất to.
Có mặt bên cạnh con gái trong suốt thời gian nhập viện cho đến khi được chuyển sang phòng Hồi sức và được chăm sóc tận tình tại khoa Hậu phẫu, bà V.T.T., mẹ chị N.T.T.H vui vẻ chia sẻ: “Lúc mới sinh ra, H. chỉ nặng 2200g. Thời con gái H. cũng có dáng người gọn gàng, chỉ từ khi lấy chồng đến nay không hiểu sao “tự nhiên người cứ ngày càng sổ ra”, dù chuyện ăn uống cũng đạm bạc do hoàn cảnh kinh tế chỉ ở mức tạm đủ và trong dòng họ cũng không có ai bị béo phì… ”.
Hỏi về sự tăng cân vượt mức của mình, nhất là trong quá trình mang thai, chị T.H. nói: “Lập gia đình đã 5-6 năm mà chưa có con, cũng buồn lắm. Thấy bên nhà chồng mong cháu nên tôi đã nhiều lần đi khám sức khỏe để xem tình trạng béo phì của mình có ảnh hưởng gì đến việc chậm mang thai? Tuy lo lắng nhưng gia đình hai bên chưa dám nghĩ đến chuyện điều trị hiếm muộn.
Tưởng là hai vợ chồng không thể có con do bản thân ngày càng “mập” và có lần đi khám cũng nghe bác sĩ nói là… khó “đậu” thai. Nên đầu năm nay, biết được mình có thai, gia đình ai cũng mừng vì sắp có được “cu tí”. Trong thời gian mang thai không có bất cứ triệu chứng gì của sự “ốm nghén”, ăn uống cũng bình thường, có điều hơi nhiều hơn trước và chỉ thích ăn cá… ”
Hai mẹ con sản phụ đã "mẹ tròn, con vuông" sau ca phẫu thuật căng thẳng.
Hầu hết các nghiên cứu đều khẳng định, đối với chị em phụ nữ, béo phì có thể dẫn đến tình trạng khó thụ thai. Với chị N.T.T. H, có thể chỉ số cơ thể (BMI) cao, cơ thể có quá nhiều mỡ, gây ra sự mất cân bằng nội tiết tố và các vấn đề với quá trình rụng trứng, là nguyên nhân của việc chậm mang thai (5-6 năm sau khi lập gia đình).
Béo phì ở phụ nữ là một trong những tác nhân chính, tiềm ẩn các bệnh không lây như: tim mạch (chủ yếu là bệnh tim và đột quỵ); tiểu đường; rối loạn cơ xương (đặc biệt là viêm xương khớp - một bệnh thoái hóa vô hiệu hóa của các khớp); một số loại ung thư (nội mạc tử cung, vú và đại tràng). Bên cạnh đó, khoa học cũng đã chỉ ra rằng, trẻ có mẹ bị béo phì trong thai kỳ có nhiều khả năng bị béo phì hơn trong thời thơ ấu và niên thiếu.
Vì những tác động rất tiêu cực đến sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng, các bác sĩ khuyến cáo các mẹ bầu nên sử dụng và dung nạp các loại chất dinh dưỡng lành mạnh từ rau, củ, chất béo chưa bão hòa (dầu thực vật)… hạn chế các loại thức ăn chiên xào. Bên cạnh đó, các mẹ bầu cũng cần tuân thủ:
- Kiểm tra sức khỏe tổng quát trước khi mang thai
- Có chế độ ăn uống hợp lý trong suốt thai kỳ. Quan niệm ăn cho 2 người thật sự không còn phù hợp với khoa học dinh dưỡng hiện nay.
- Tăng cường vận động thể thao tập yoga dành cho bà bầu
- Kiểm soát thường xuyên cân nặng và tăng trưởng của cả mẹ bầu, thai nhi trong suốt thai kỳ.