Thứ sáu, 19/04/2024 | 08:02
RSS

Bác bệnh nhân số 17 hồi phục thần kỳ sau 3 lần 'thập tử nhất sinh'

Thứ hai, 13/04/2020, 22:10 (GMT+7)

Theo chuyên gia, thật khó có thể tưởng tượng một bệnh nhân ngưng tuần hoàn tới 3 lần mà vẫn có thể phục hồi. Vì bình thường, chỉ cần 2 lần là gia đình đã xin đưa bệnh nhân về nhà.

Theo thông tin từ Tiểu Ban điều trị - Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch covid-19 trong 8 ca bệnh nặng nhiễm Covid-19 có một người phải chạy ECMO; 2 ca thở máy và 5 ca thở oxy.

Trong đó, đáng chú ý, nữ bệnh nhân số 20, 64 tuổi, bác của ca bệnh nhân số 17 đã 3 lần ngưng tuần hoàn nhưng đang tiến triển tốt trở lại.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội đồng chuyên môn điều trị COVID-19, do bệnh nhân bị thiếu cân, mắc COVID-19 trên nền bệnh rối loạn tiền đình nên khi nhập viện tình trạng người bệnh tiến triển rất nhanh. Ngày 15/3, bệnh nhân phải thở máy. Ngày 19/3 bệnh nhân vừa thở máy, vừa phải can thiệp dùng ECMO (tim phổi nhân tạo).

Nhận thấy đây là ca bệnh nặng, tiên lượng phức tạp, Bộ Y tế lập tức thành lập tổ trợ giúp chuyên môn do GS.TS Nguyễn Gia Bình - nguyên trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai làm tổ trưởng.

Bác bệnh nhân số 17 hồi phục thần kỳ sau 3 lần 'thập tử nhất sinh'
Bác bệnh nhân số 17 hồi phục sau 3 lần ngừng tuần hoàn.

Liên tục 21 ngày sau đó, 30 chuyên gia đầu ngành tổ chức tới 14 buổi hội chẩn để đưa ra phương án điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 nặng. Bệnh nhân số 20 sau đó cai máy thở vào ngày 4/4 sau 3 lần ngưng tuần hoàn.

“Khó có thể tưởng tượng là bệnh nhân ngưng tuần hoàn tới 3 lần mà vẫn có thể phục hồi. Vì bình thường, chỉ cần 2 lần là gia đình xin về. Rất may sau đó nhờ sự nỗ lực của tất cả chuyên gia, y bác sĩ và gia đình, bệnh nhân dần có tri giác.

Hiện bệnh nhân làm theo được những gì nhân viên y tế yêu cầu. Ca bệnh này có sự hồi phục vượt sức tưởng tượng của chúng tôi”, GS Kính nói.

Thông tin thêm bệnh nhân số 91, phi công người Anh, 43 tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM Bộ Y tế cho biết, người bệnh phải chuyển sang thở máy xâm nhập, chạy ECMO (tim phổi nhân tạo), tình trạng nguy kịch.

Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM cho biết, tuy tổn thương phổi của bệnh nhân ngừng tiến triển nhưng thông khí còn hạn chế, tình trạng rối loạn đông máu nặng vẫn chưa cải thiện, dù kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona.

Hiện bệnh nhân không sốt, có sử dụng an thần, tiếp tục thở máy xâm nhập, can thiệp ECMO và lọc máu liên tục.

Ngoài 2 ca bệnh trên, còn 1 trường hợp khác là bệnh nhân số 161, cụ bà 88 tuổi ở Hưng Yên đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Kim Chung, Đông Anh) cũng tiên lượng nặng, phải thở máy. Bệnh nhân có mắc kèm bệnh lý tai biến mạch máu não.

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN