Theo thông tin ban đầu, ngày 7.11, chị B.T.T.H (31 tuổi, ngụ H.Xuyên Mộc, Bà Rịa, Vũng Tàu) mua thịt cóc từ một người bán dạo rồi nấu cháo.
Đến 17 giờ cùng ngày, chị H. cho hai con nhỏ của mình là cháu N.N.B.N (7 tuổi) và N.N.U.P (11 tháng tuổi) cùng ăn cháo chung với mình.
Vài tiếng sau, ba mẹ con chị H. nôn ói, khó thở. Đến 22 giờ cùng ngày, gia đình đưa 3 mẹ con chị H. đến Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu.
Bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa cho biết, ba bệnh nhân nhập viện quá trễ, độc tố của cóc đã ngấm vào người.
“Ngay sau khi tiếp nhận các bệnh nhân, bác sĩ đã súc ruột, cho uống than hoạt tính, lọc máu liên tục… Tuy nhiên, cả ba bệnh nhân đều tử vong”, một bác sĩ cho hay.
Thực ra, thịt cóc rất giàu dinh dưỡng nhưng những độc tố ở một số bộ phận cơ thể chúng như nhựa cóc, gan và trứng cóc có thể gây ngộ độc cấp tính, tỉ lệ tử vong rất cao.
Triệu chứng ngộ độc độc tố cóc biểu hiện cấp tính, xuất hiện từ 1 - 2 giờ sau khi với các biểu hiện: bị chướng bụng, đau bụng trên rốn kèm theo nôn mửa dữ dội, có thể bị tiêu chảy; hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, sau đó loạn nhịp tim, rung thất…
Ngộ độc do độc tố cóc tiên lượng rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao nên cần phát hiện sớm, sơ cứu, cấp cứu kịp thời ở những trung tâm y tế mới có hiệu quả. Cụ thể:
- Phát hiện dấu hiệu ngộ độc sớm (người bệnh còn tỉnh táo): cần gây nôn chủ động; chuyển bệnh nhân nhanh chóng đến cơ sở có điều kiện hồi sức cấp cứu.
- Chống rối loạn tim mạch, hô hấp, thần kinh và tiết niệu bằng dịch truyền, thuốc điều trị triệu chứng, thở ô xy, thở máy, máy tạo nhịp, lợi tiểu, lọc thận....
- Thải trừ chất độc: Rửa dạ dày, uống than hoạt, thụt, tháo...
Cóc với sức khoẻ của con người bên cạnh những lợi ích là những nguy cơ rất lớn đe doạ đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng nên cần hết sức cẩn trọng khi sử dụng.