Thứ sáu, 22/11/2024 | 06:08
RSS

'Thánh nhạc chế' Đặng Thanh Tuyền: '6 năm rồi mình không đón Giao thừa cùng bố mẹ'

Thứ bảy, 10/02/2018, 07:09 (GMT+7)

"Từ khi lấy chồng, cũng 6 cái Tết rồi mình chưa được đón Giao thừa với bố mẹ và các em. Thời khắc ấy đúng là rất bồi hồi và nhớ nhà", Thanh Tuyền chia sẻ.

Bản nhạc chế Khúc nhớ nhà khiến nghìn chị em rưng rưng1
Tác giả của bản nhạc chế khiến chị em rưng rưng mang tên "Khúc nhớ nhà". Ảnh NVCC

Đặng Thanh Tuyền (Hà Nội) là một trong những cái tên được nhắc đến nhiều nhất trên mạng xã hội với biệt danh “thánh nhạc chế”.

Bà mẹ 8X đã bao lần khiến cộng đồng mạng đứng ngồi không yên với những bản nhạc chế nghe cực hay như Người tình rượu bia (chế từ Người tình mùa đông), Bán hàng online (chế từ Duyên phận), Em gái bầu (chế tư Em gái mưa)...

Và mới đây nhất là một bản nhạc chế đong đầy cảm xúc, nói về nỗi lòng của những người phụ nữ đón tết xa gia đình. 

Bản nhạc chế Khúc nhớ nhà khiến nghìn chị em rưng rưng2
Thanh Tuyền bắt đầu chế nhạc từ lúc học cấp 2. Ảnh NVCC

- Bạn bén duyên với nhạc chế từ khi nào? Và tác phẩm đầu tiên của bạn là gì?

Mình thích viết lời mới cho các bản nhạc yêu thích, điều đó thể hiện được những suy nghĩ của mình. Mình bắt đầu chế nhạc từ lúc học cấp 2. Đến giờ thì mình cũng không còn nhớ bài đầu tiên là gì nữa, nhưng có lẽ đó là một bài nhạc Hoa (nhạc trong phim).

- Quá trình hoàn thiện một bản nhạc chế của bạn diễn ra như thế nào?

Một bài nhạc chế sẽ cần phải có chủ đề, mình sẽ chọn chủ đề cần nói trước. Sau đó là chọn nhạc phù hợp. Tiếp theo, mình sẽ tính toán làm sao để đưa các câu chữ theo chủ đề đó vào khớp với phần giai điệu. Cuối cùng là thêm, bớt, thay đổi từ ngữ sao cho hợp lý.

Bản nhạc chế Khúc nhớ nhà khiến nghìn chị em rưng rưng3
Gia đình hạnh phúc của "Thánh nhac chế". Ảnh: NVCC

- Bạn có dự định sẽ phát triển một dự án nào đó mà tận dụng được sở trường đặc biệt này của mình không?

Trong tương lai, có những gì cần nói về cuộc sống, xã hội và nếu có cảm xúc, mình sẽ vẫn cố gắng thể hiện qua nhạc chế. Nếu có tài trợ của các thương hiệu phù hợp với nội dung đó, mình sẽ hợp tác để lan tỏa nhận diện giá trị thương hiệu cho họ. Qua đó giúp nhạc chế sẽ có kinh phí để duy trì và phát triển.

- Trong số những bản nhạc chế đã thực hiện, bạn tâm đắc với bài nào nhất?

Trong số những bài nhạc chế đã từng viết, mình tâm đắc nhất với "Khúc nhớ nhà". Có lẽ vì do lời hát chính là cảm xúc chân thực của bản thân, không màu mè, mà rất thực tế. Và mình tin rằng nhiều chị em phụ nữ đã lập gia đình cũng có chung cảm xúc ấy.

Bản nhạc chế Khúc nhớ nhà khiến nghìn chị em rưng rưng4
Thanh Tuyền cũng bât ngờ vì bản nhạc chế được mọi người đón nhận đến vậy. Ảnh: NVCC

- Bạn có thể chia sẻ một chút về bản nhạc chế “Khúc nhớ nhà”và những kỷ niệm gắn với nó?

"Khúc nhớ nhà" (nhạc chế dựa trên bài hát "Khúc giao mùa" của nhạc sĩ Huy Tuấn) thực ra chính là tâm sự của mình trong những ngày Tết. Từ khi lấy chồng, cũng 6 cái Tết rồi mình chưa được đón Giao thừa với bố mẹ và các em. Thời khắc ấy đúng là rất bồi hồi và nhớ nhà.

Mình thường nhớ lại những kỉ niệm ngày xưa, khi còn bé, những khó khăn, thiếu thốn, nhưng luôn tràn đầy tiếng cười và những hân hoan. Đến tuổi này, khi Tết đến, mình vẫn yêu Tết như 1 đứa trẻ. Nhưng mà thật sự thì trong lòng vẫn có những góc chưa được "lấp đầy".

Khúc nhớ nhà - Thanh Tuyền Đặng

- Nhiều người chia sẻ rằng đã khóc khi nghe bản nhạc chế đó, vậy khi viết lời, thể hiện hoặc nghe lại, cảm xúc bạn thế nào?

Khi viết lời, mình như viết ra tiếng lòng của mình và có những đoạn viết rất nhanh, không cần phải cầu kì, hoa Mỹ Lúc hát xong và nghe lại, mình cũng tự cảm thấy xúc động và bản thân nghe lại rất nhiều lần. Nhưng thực sự cũng hơi bất ngờ vì đã làm cho nhiều chị em khóc đến vậy.

- Ông xã phản ứng thế nào về những tác phẩm của bạn? Liệu rằng khi nghe xong“Khúc nhớ nhà”, năm nay chồng bạn sẽ cho cả gia đình về ngoại đón Tết?

Ông xã mình là người tôn trọng vợ và việc sáng tác nhạc chế cũng được anh ủng hộ. Anh ấy cũng thường xuyên share các bài đó trên trang cá nhân.

Năm nay khi biết mình viết bài "Khúc nhớ nhà", anh ấy cũng nói nếu muốn về ngoại ăn Tết thì cả nhà cùng về. Tuy nhiên, mình cũng phải cân đối xem việc nhà nội ra sao rồi mới quyết định. Thông thường, mọi năm dù không đón Giao thừa nhà ngoại thì chiều mùng 1 mình cũng đã về rồi.

L.H
Theo Đời sống Plus/GĐVN