Thứ ba, 10/12/2024 | 21:54
RSS

Ẩn sau món họa mi nướng tinh hoa nước Pháp là quá trình nuôi giết tàn nhẫn

Thứ năm, 16/03/2017, 08:18 (GMT+7)

Nguyên nhân gây tranh cãi về món chim họa mi nướng xa xỉ không chỉ bởi sự khan hiếm số lượng chim ở châu Âu mà còn bởi cách thức săn bắt, nuôi và giết thịt rất tàn nhẫn.

Họa mi nướng là một món ăn thượng hạng, chỉ dành cho giới lắm tiền nhiều của, được chế biến cầu kỳ. Dù được coi là món ăn thể hiện sự đẳng cấp, tinh hoa trên thế giới nhưng đằng sau đó là một sự tàn nhẫn kinh hoàng.

Họa mi nổi tiếng với tiếng hót hay, chúng chỉ nhỏ bàng lòng bàn tay và thường sống tập trung ở những vùng có khí hậu ấm của áp của châu Âu, đặc biệt là Pháp, Italy, Tây Ban Nha. Vào mùa di cư, khi chim bay về châu Phi, những thợ săn đã đặt nhiều bẫy trên các cánh đồng để bắt được chim.

Những con chim bắt về được giam vào trong những chiếc lồng chật ních để tránh cho chúng nhảy nhót, vận động, được nhồi nhét các loại thức ăn bổ dưỡng cho đến khi béo mẫm, gấp 2 đến 4 lần trọng lượng bình thường.

Món chim họa mi nướng thượng hạng. Ảnh: Internet

Tương truyền, Hoàng đế La Mã xưa kia còn cho kẹp mù mắt con chim làm chúng tưởng là ban đêm, vì thế sẽ ăn nhiều hơn.

Sau đó, người ta sẽ dìm ngập chim trong rượu Armagnac để chúng chết từ từ, quá trình này giúp những thớ thịt ngấm dần vị của rượu và lớp da chuyển dần sang màu vàng ô liu. Người chế biến chỉ cần thêm một chút gia vị và nướng trong vòng 6 - 8 phút là xong món ăn.

Đối với món chim họa mi thượng hạng, việc thưởng thức cũng là quá trình được tiến hành như một nghi lễ. Thực khách không cắt thịt chim ra thành miếng nhỏ và dùng dao dĩa như thông thường.

Người ta sẽ dìm ngập chim trong rượu Armagnac để chúng chết từ từ. Ảnh: Internet

Theo truyền thống, mỗi người phải dùng một chiếc khăn màu trắng trùm kín đầu, sau đó bỏ cả con chim vào miệng sao cho phần đầu hướng ra ngoài rồi nhai từ từ tất cả các phần từ chân cho đến xương, chỉ bỏ lại đầu.

Việc trùm khăn một phần để khiến cho người ăn không cảm thấy xấu hổ với những người xung quanh, nhưng hơn hết là vì người ta tin rằng việc làm này giúp họ lẩn trốn khỏi ánh mắt của Chúa khi ăn thịt sinh linh bé nhỏ và xinh đẹp.

Từ năm 1970 đến năm 1980, số lượng chim họa mi ở Pháp đã giảm đáng kể do bị săn lùng ráo riết để làm nguyên liệu cung cấp cho các đầu bếp trong những nhà hàng sang trọng.

Nhằm thu về lợi nhuận khổng lồ, những tay săn trộm đánh bắt số lượng lớn khiến cho số loài chim này giảm 30% với 30.000 con chim bị giết thịt mỗi năm chỉ tính riêng vùng tây nam Aquitaine.

Trước thực tế đó, năm 2007, trong khi việc săn bắt để làm thịt chim họa mi bị cấm trên toàn EU thì chính phủ Pháp tuyên bố mức phạt nặng nhất cho hành động này lên tới 6.000 euro (khoảng 150 triệu đồng).

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus