Rau răm (thủy liễu) có vị cay, tính ấm, không có độc, có tác dụng chữa đau bụng lạnh, các vết thương do rắn cắn, chữa tràng ghẻ, cước khí (sưng chân – mùa đông chân tay hay bị cước), hắc lào, trĩ, nôn, sốt...
Rau răm cũng được xếp vào loại rau gia vị rất quen thuộc chuyên ăn kèm với các món ăn có tính chất tanh như lòng lợn, trứng vịt lộn, chai hến…để đánh bay mùi tanh của thực phẩm cũng như tăng thêm hương vị cho món ăn.
Tuy nhiên, mọi người cũng cần lưu ý một số điều dưới đây khi sử dụng loại rau này để có hiệu quả tốt nhất khi sử dụng mà không gây hại đến sức khỏe:
Theo Đông y, ăn nhiều rau răm sinh nóng rét, giảm tinh khí, tổn thương tủy, suy yếu tình dục. Cả nam và nữ ăn nhiều và thường xuyên ăn rau răm đều có thể gặp tình trạng suy giảm ham muốn tình dục.
Cụ thể, nam giới nếu ăn quá nhiều loại rau này có thể kém cường dương tráng khí, chân huyết sẽ khô đi. Trong khi đó, phụ nữ có thể gặp tình trạng mất chu kỳ kinh nguyệt.
Loại rau thơm này có vị cay, tính ấm, tính thơm, hành khí mạnh (khí hành dẫn đến huyết hành), có khả năng kích thích tử cung, làm ra thai. Do đó, phụ nữ mang thai không nên ăn rau răm, đặc biệt ở 3 tháng đầu của thai kỳ.
Tuy nhiên, bà bầu chỉ ăn vài ngọn rau răm cùng với trứng vịt lộn… sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi. Chỉ khi dùng rau răm với lượng lớn như giã uống hay sắc làm thuốc uống thì mới gây ra nguy hiểm lớn. Trong dân gian, người ta hay dùng rau răm để làm sảy thai tự nhiên.
Nếu phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt thì không nên sử dụng rau răm. Vì có thể sẽ gây ra tình trạng rong huyết. Nghiêm trọng hơn nếu phụ nữ ăn quá nhiều rau răm sẽ dẫn tới vô sinh do mất kinh nguyệt.
Chỉ có thể ăn rau răm kèm với các loại thức ăn khác chứ không nên ăn hoặc uống nước ép trong thời gian dài để hạn chế các tác dụng phụ nguy hiểm xảy ra. Các bạn lưu ý điều này nhé!
Người có máu nóng, cơ thể suy nhược nên tránh xa rau răm để không làm tăng tính nóng trong người, giảm sinh khí và khiến cơ thể càng gầy gò hơn.