Năm nay lực lượng công an Nam Định huy động 600 cán bộ, chiến sỹ tham gia bảo đảm an ninh trật tự tại chợ Viềng và kết hợp phòng chống dịch bệnh nCoV.
Về đêm, dòng người kéo nhau về chợ Viềng ngày một đông. Theo ông Đỗ Văn Kỳ, Phó Chủ tịch huyện Vụ Bản, huyện đã nhận được văn bản của Bộ VH-TT-DL về việc dừng tổ chức các lễ hội nếu cần thiết để ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona.
"Do chợ Viềng Phủ (còn gọi là chợ Viềng Vụ Bản) là lễ hội dân gian được người dân bản địa xã Quang Trung tổ chức nên chúng tôi không can thiệp được. Huyện tổ chức tuyên truyền để người dân, du khách nắm được tình hình, có biện pháp bảo vệ bản thân", ông Kỳ nói với PV GĐXH.
Cũng theo Phó chủ tịch huyện Vụ Bản, năm nay lực lượng công an Nam Định huy động 600 cán bộ, chiến sỹ tham gia bảo đảm an ninh trật tự tại chợ Viềng Phủ. Lực lượng này đảm nhận cả công tác tuyên truyền, phòng chống dịch và tham gia xử lý sự cố phát sinh nếu cần thiết.
Các mặt hàng được bày bán tại phiên chợ đặc biệt này cũng rất đa dạng, từ các nông cụ truyền thống phục vụ công việc đồng áng hàng ngày của người dân như dao, liềm, cuốc, xẻng, thúng, mủng, nơm, đó, quang gánh… Các loại cây trồng đặc trưng của các vùng miền như chanh, hồng, táo, hồng xiêm, vú sữa, sầu riêng, bơ cho đến các loại cây cảnh có dáng đẹp, độc, lạ cũng được bày bán.
Ngoài các mặt hàng bán chạy như cây cảnh, với hàng ăn uống thì thịt bê được du khách khá chuộng và đây được coi là một món đặc sản không thể thiếu với các du khách.
Chị Hoàng Thị Hoài, một du khách tỉnh Thái Bình cho PV TTXVN biết, đến với chợ Viềng huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định chị rất ấn tượng bởi không khí bán mua ở đây diễn ra rất cởi mở, thoải mái,ai đến chợ cũng mua một món đồ nào đó mang về lấy may. Chị Hoài chia sẻ, gia đình làm nông nghiệp nên chị chọn mua một đôi thúng, cầu cho vụ lúa Đông Xuân năm nay ít sâu hại, được mùa, giúp người dân bớt đi phần vất vả.
Ông Nguyễn Văn Sơn, du khách Hà Nội cho hay, từ ngày bé ông đã từng đi cấy, gặt lúa phụ giúp gia đình. Dù đã thoát ly đồng ruộng, nhiều năm không đụng tay đến công việc đồng áng nhưng mỗi lần đến phiên chợ Viềng ông đều ghé qua để mua cái nơm, cái đó, chiếc thúng… lấy may đầu năm, cũng là ôn lại những kỷ niệm tuổi thơ.
Tại phiên chợ này, các gian hàng cây giống, cây ăn quả, cây cảnh chiếm đa số và là mặt hàng bán chạy nhất. Hàng hóa góp mặt ở chợ chủ yếu được người dân tại các huyện trong tỉnh Nam Định và một số vùng lân cận như: Thái Bình, Hà Nam mang tới. Với tâm lý bán rủi, mua may nên người bán hàng thường đưa ra giá vừa phải, không đặt nặng yếu tố lợi nhuận.
Ông Phạm Văn Tuấn, chủ nhà vườn đến từ tỉnh Thái Bình thông tin, gia đình chuyên trồng các loại hoa, cây cảnh như: sung, khế, lộc vừng… Hằng năm, cứ đến phiên chợ Viềng gia đình lại đưa cây lên bán. Trung bình mỗi phiên chợ, gia đình bán được từ 200 - 300 cây các loại.Phiên chợ này ngoài việc giúp tiêu thụ giống cây trồng, còn thúc đẩy việc giao lưu, học hỏi kinh nghiệm làm ăn giữa các chủ trang trại trong vùng, hướng tới hình thành liên kết, hợp tác đầu tư, làm ăn.